Người dân vùng ATK Định Hóa buồn nhớ Đại tướng

Trong suốt những ngày qua, người dân Thái Nguyên nói chung và người dân vùng ATK Định Hóa nói riêng, đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng.


"Đại tướng rất quan tâm đến chiến sĩ"


Với Đại tướng, tỉnh Thái Nguyên giống như quê hương thứ hai của ông, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm trong sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng của Đại tướng. ATK Định Hóa vẫn xanh như thuở nào đón Bác Hồ, Trung ương Đảng cùng các cơ quan Trung ương lên chiến khu lãnh đạo kháng chiến. Nếp nhà mà vị Tổng chỉ huy quân đội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở, cũng đơn sơ, giản dị như bao nếp nhà của đồng bào Tày, Nùng nơi đây...

Từ lúc nghe tin Đại tướng qua đời, ngày nào hai ông Đồng Quang Sá và Hoàng Văn Tiệp cũng đến thắp hương cho Đại tướng tại Khu di tích lịch sử Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa.


Từ hôm nghe tin Đại tướng qua đời, ngày nào cũng vậy, ông Đồng Quang Sá và ông Hoàng Văn Tiệp ở xóm Bảo Hoa 2, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, cũng lặn lội đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng tại Khu di tích lịch sử Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ở xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc trong thời gian từ năm 1949 - 1954. Ông Sá nghẹn ngào cho biết: “Ngày 5/10, người dân trong xóm mới biết tin dữ, ai cũng buồn, chỉ mong được về Thủ đô để thắp hương cho Đại tướng, nhưng đường sá xa xôi, tuổi lại cao, không đi được nên chúng tôi chỉ biết đến đây thắp hương cho Đại tướng, buồn nhớ Đại tướng lắm”.

Các cháu thiếu nhi huyện Định Hóa sửa soạn bàn thờ của Đại tướng tại Khu di tích lịch sử Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.


Gắn bó với Đại tướng gần 40 năm, người cựu quân nhân 84 tuổi, ông Mông Đức Ngô, ở xóm Pa Trò, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, đến nay vẫn chưa muốn tin Đại tướng đã qua đời. Nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của ông, khi nhắc đến Đại tướng. Cuối năm 1946, đầu năm 1947, ông Mông Đức Ngô là Trung đội trưởng Trung đội Liên lạc, thuộc Đại đội 15, ông có nhiệm vụ truyền lệnh của Đại tướng cho các quân binh chủng bằng tiếng Tày để đảm bảo bí mật thông tin. Nhiều lần được gặp vị chỉ huy cao nhất của quân đội, với ông, Đại tướng như một người anh rất gần gũi, giản dị và quan tâm đến anh em chiến sĩ. Hồi tưởng lại ký ức của những năm tháng chiến đấu, ông nghẹn ngào kể: “Hôm đơn vị của tôi đi kiểm tra đường dây, có một đồng chí bị mảnh đạn pháo găm vào đầu, mọi người khiêng cáng đưa về lán chỉ huy. Lúc đó là sáng sớm, Đại tướng lập tức đến thăm, rồi bảo nhà bếp mang lên một ít xôi để cậu ấy ăn cho ấm bụng, nhưng vừa đưa miếng xôi vào miệng, chưa kịp ăn thì cậu ấy đã hy sinh, ai nấy đều lặng đi, Đại tướng cũng không kìm được nước mắt”. Sau này, khi hòa bình lặp lại, hầu như năm nào ông Ngô cũng về thăm gia đình Đại tướng ở số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Mỗi lần về thăm, ông và Đại tướng như hai anh em thân thiết lâu ngày được gặp nhau.


Chan chứa tình cảm


Xót thương khi biết Đại tướng qua đời, nhiều người dân ở xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa đã khóc và sống trong ký ức về Đại tướng của mình. Bà Nguyễn Thị Vân, 79 tuổi, vẫn nhớ như in những hình ảnh và lời căn dặn của Đại tướng khi về thăm Trại thiếu nhi Nà Lọm, ở đồi Pụ Đồn - Đồi Phong Tướng, xã Phú Đình. Khi đó, bà chỉ là một bé gái nhỏ tuổi đang theo học trong lớp. Bà kể, đến thăm trại thiếu nhi, Đại tướng đã ân cần căn dặn: “Các em cố gắng học giỏi và nhớ ba không: Đó là không biết, không thấy, không có để đảm bảo bí mật cách mạng”. Đã bao năm trôi qua, nhưng những lời của Đại tướng, kỷ niệm lần gặp Đại tướng vẫn in đậm trong tâm trí bà. Từ hôm nghe tin Đại tướng qua đời, ngày nào bà Vân cũng ra đồi Phong Tướng, ôm lấy tấm bia di tích mà khóc “Bác ơi, ngày xưa bác về đây, giờ bác mất rồi, chúng con không còn được gặp bác nữa rồi”.

Ông Mông Đức Ngô xúc động khi xem lại những bức ảnh kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Còn ông Hoàng Văn Lực, ở xóm Tỉn Keo, ngậm ngùi kể: Cụ thân sinh của ông là Hoàng Văn Hiệp, trước là cận vệ của Đại tướng. Năm 2001, trước khi trút hơi thở cuối cùng, cụ Hiệp trăn trối lại với con cháu là báo tin cho Đại tướng. Vòng hoa viếng của Đại tướng viếng người cận vệ có dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Hiệp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Điện chia buồn của Đại tướng ghi: “Tôi vừa nhận được tin đột ngột, đồng chí Hiệp từ trần. Đồng chí Hiệp từng làm tốt nhiệm vụ cán bộ bảo vệ Bộ Tổng Tư lệnh những năm kháng chiến. Trong giờ phút đau thương, tôi có lời chia buồn thống thiết với gia đình và bạn bè thân thuộc đồng chí Hiệp. Vô cùng thương tiếc đồng chí! Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Bức điện và dòng chữ viếng của Đại tướng vẫn được gia đình ông Hoàng Văn Lực lưu giữ như báu vật.

Đồng bào các dân tộc ATK Định Hóa đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu di tích lịch sử Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.


Những tình cảm tôn kính, thân thương ấy như một lời khẳng định: Trong trái tim của mỗi người dân ATK Định Hóa, hình ảnh một vị tướng bình dị, tài năng, đức độ vẫn mãi còn vẹn nguyên.


Thu Hằng - Lan Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN