Người Australia “giàu” lắm

Không hô hào khẩu hiệu, không hoành tráng phô trương, một điều đáng khâm phục tại Australia là người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện, một cách thầm lặng.


Niềm vui nhân đôi


Tôi thật bất ngờ khi nhận được tấm thiệp Chúc mừng Giáng sinh của Hội từ thiện “Xe lăn cho trẻ em” gửi tới. Lời chúc gửi đến và không chờ nhận lại, chỉ có thiện ý sẵn sàng giúp tôi chuyển quà Giáng sinh tới trẻ em khuyết tật các nước thông qua một số tiền hảo tâm để họ chế tạo xe lăn cho các em. Một niềm vui nhè nhẹ, một sự cảm động xen lẫn cảm phục trước cách làm từ thiện hết sức chuyên nghiệp của những tấm lòng vô cùng nhân ái.


Người Australia làm từ thiện ở mọi lứa tuổi, từ hết sức đơn giản đến cực kỳ bài bản. Trẻ em có thể làm từ thiện bằng cách mang đồ chơi, quần áo cũ tới bỏ vào những thùng từ thiện công cộng. Lớn hơn một chút thì có thể làm từ thiện ở trường học, nhà trường quyên góp đồ từ thiện (rất đa dạng, từ quần áo, đồ chơi đến sách, truyện, trang sức hay thậm chí cả lọ sơn móng tay, bút vẽ hóa trang...) đem bán vào dịp lễ hội nào đó để gây quỹ cho trẻ em nghèo.


Người lớn, thanh niên có thể phối hợp với hội, câu lạc bộ nào đó tự tổ chức một buổi quyên góp dưới rất nhiều hình thức, như bán vé vào xem chương trình văn nghệ, bán vé suất ăn giao lưu...


Có lẽ lực lượng làm từ thiện hùng hậu nhất ở Australia là người cao tuổi. Quả thực khó có thể tìm thấy bậc cao niên nào ở Australia không đi làm từ thiện.


Tôi đã tận mắt chứng kiến cơ sở từ thiện “Xe lăn cho trẻ em” ở bang Tây Australia với hơn 140 tình nguyện viên tuổi từ 70 trở lên, thay nhau đứng máy, lắp ghép... để hoàn thiện sản phẩm xe lăn gửi đi làm từ thiện. Các cụ làm từ thiện 100%, từ khâu điều hành, quản lý cho tới sản xuất. Khi tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn, ông Gordon Hudson, Giám đốc điều hành, đã nhất trí ngay nhưng nói được vài câu, ông xin phép giới thiệu nhân vật khác trong ban giám đốc phát biểu vì ông không phát âm rõ được khi chưa mang răng giả cho vài cái răng vừa rụng. Mắt tôi đã ngấn nước...


Nỗi buồn vơi nửa


Tinh thần làm từ thiện của người Australia cao là vậy, nhưng mấy ai hiểu rằng những tấm lòng nhân ái đó cũng khao khát sự sẻ chia và tình yêu thương. Chúng tôi đã may mắn được hòa mình trong một buổi nghỉ ngắn giữa giờ làm của các cụ ở tổ chức từ thiện “Xe lăn cho trẻ em”.


Đây là khoảng thời gian để các cụ ăn bánh, uống trà và hàn huyên chuyện đời. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng các cụ bảo vui lắm khi thấy một vài sinh viên thường xuyên đến làm từ thiện cùng các cụ. Các bạn trẻ cũng xắn tay vào đứng máy, làm các khâu nặng như kéo, vác..., rồi nghỉ ngơi, chuyện trò cùng các cụ.


Đây cũng là khoảng thời gian để các tổ chức, cá nhân đến đóng góp, hỗ trợ tiền hay vật chất để tiếp sức cho hoạt động từ thiện. Các cụ thấy vui, còn những người đóng góp tiền hay vật chất như chúng tôi sẽ thấy hạnh phúc.


Tôi cũng gặp nhiều lắm những ông già bà cả khệ nệ bưng từng thùng sách để bán và lấy tiền làm từ thiện trong một hội chợ sách. Họ tổ chức cả một hội chợ để làm từ thiện và cũng để tôn vinh văn hóa đọc, bao quát mọi khâu, từ dọn dẹp, bài trí, giới thiệu cho đến thu ngân.


Tôi cũng gặp những mái đầu bạc cùng hát múa rồi phát phần thưởng cho trẻ em, có khi chỉ là một hình vẽ dán lên tay, tại những điểm vui chơi cho trẻ em hàng tuần. Chi phí đóng góp mỗi buổi cho mỗi trẻ là rất rất ít và ban tổ chức hoàn toàn là các cụ tình nguyện viên.


Ở Australia tôi thấy nhiều nụ cười, vì ở biết bao nhiêu người làm từ thiện ấy, nỗi buồn đã vơi đi phân nửa. Nhà thơ Áo nổi tiếng Rainer Maria Rilke từng nói: Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: Họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều. Nếu là vậy, tôi nghĩ người Australia giàu lắm...!


Đỗ Vân (Pv TTXVN tại Australia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN