Ngoại trưởng Mỹ lạc quan về thỏa thuận hạt nhân với Iran

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng nhóm P5+1 gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hơp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức có thể đạt được một thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này sớm hơn dự kiến.

Đại diện các bên tại vòng đàm phán ở Vienna, Áo ngày 24/11. Ảnh: AFP/ TTXVN.


Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Kerry ngày 7/12 tại một diễn đàn tại thủ đô Washington về chính sách đối với Trung Đông, trong đó ông kêu gọi các bên tiếp tục kiên nhẫn, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể ký kết một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran trong vòng từ 3 đến 4 tháng, sớm hơn hạn chót mới là ngày 30/6/2015. Ông Kerry nói: “Mặc dù thời hạn kéo dài đàm phán là 7 tháng, nhưng chúng tôi không nhắm vào thời hạn đó. Mục tiêu là 3-4 tháng, thậm chí sớm hơn nếu có thể được”.

Theo lập luận của ông Kerry, cách đây một năm, chương trình hạt nhân của Iran được thúc đẩy hết tốc độ với kho urani được làm giàu ở cấp độ cao và khả năng sản xuất bom ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện Iran đã và đang tuân thủ mọi cam kết trong bản thỏa thuận tạm thời, do vậy lần đầu tiên trong lịch sử chương trình hạt nhân của Tehran đã được thu hẹp lại.

Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các đối tác của Mỹ giờ đây đã có thể kiểm chứng hàng ngày các cơ sở hạt nhân của Iran. Mặc dù thừa nhận con đường đi tới một hiệp định lâu dài về chương trình hạt nhân của Iran còn nhiều khó khăn, song Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh kiên trì đàm phán là “con đường tốt nhất trong nỗ lực ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân”.

Phát biểu trên của Ngoại trưởng Kerry được đưa ra cùng ngày với phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng cần kéo dài đàm phán để gia tăng áp lực buộc Iran phải từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trước đó, các nguồn tin của Iran cho biết nước này và nhóm P5+1 sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 10/12 ở cấp chuyên gia, thậm chí có thể ở cấp cao hơn. Địa điểm diễn ra vòng đàm phán mới hiện vẫn chưa được quyết định.

Trong khi đó, phát biểu tại Tehran, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược thuộc Hội đồng các nhà Tư vấn Iran Ali Akbar Velayati khẳng định chương trình hạt nhân là vấn đề chiến lược, mang tính sống còn đối với Tehran và do vậy, quốc gia Hồi giáo này sẽ không bao giờ nhượng bộ hoặc từ bỏ quyền lợi quốc gia chính đáng trước sức ép của Mỹ.


TTXVN/Tin Tức

Ba nhân tố ảnh hưởng đến đàm phán hạt nhân Iran
Ba nhân tố ảnh hưởng đến đàm phán hạt nhân Iran

Việc các cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) và Iran về chương trình hạt nhân của nước này phải gia hạn thêm 7 tháng đang làm dấy lên lo ngại rằng sự chậm trễ sẽ cản trở khả năng đạt được một giải pháp hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN