Ngộ độc rượu gia tăng trong dịp Tết Dương lịch

Từ 28/12/2012 đến chiều 1/1/2013, Bệnh viện Việt - Đức tiếp nhận hơn 260 ca tai nạn giao thông, trong đó một số trường hợp đã tử vong. Còn tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận và điều trị cho 7 ca ngộ độc rượu.

 

Nhập viện vì nhậu xỉn


“Dịp nghỉ Tết Dương lịch, Bệnh viện (BV) Việt - Đức tiếp nhận hơn 400 ca cấp cứu do tai nạn, 70% trong số đó là tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp bị đa chấn thương, chấn thương sọ não, thậm chí bị tử vong hoặc gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Qua thăm khám ban đầu cho thấy, khá nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng còn nồng nặc hơi men”, một bác sĩ tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Đức cho hay.


Theo nhận định của nhiều bác sĩ khoa Cấp cứu, BV Việt - Đức, tuy số ca cấp cứu không tăng mạnh nhưng tỷ lệ bệnh nhân tai nạn bị chấn thương nặng, tử vong hoặc xin về dịp Tết Dương lịch năm nay nhiều hơn hẳn so với mọi năm. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tại BV Việt - Đức có tới gần 20 ca tai nạn dẫn tới tử vong hoặc gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà.


Cũng có chung mối lo ngại này, các chuyên gia tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho hay: Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, tại Trung tâm Chống độc tiếp nhận tới 7 ca ngộ độc rượu, trong khi thường ngày thỉnh thoảng trung tâm mới tiếp nhận 1 - 2 ca. Điển hình nhất là một bệnh nhân nam, 36 tuổi ở Hòa Bình, bị ngộ độc rượu nặng tới mức bị hôn mê, ngã quỵ xuống lề đường và được người dân đưa đi cấp cứu tại BV tỉnh Hòa Bình. Do tình trạng bệnh tình quá trầm trọng, bệnh nhân này được chuyển cấp cứu tới Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai ngay trong đêm 31/12.


“Do uống quá nhiều rượu nên bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, hôn mê sâu. Quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn”, BS Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cho biết.


Trước đó, ngày 30/12, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận hai ca ngộ độc rượu. Một là bệnh nhân Đỗ Quang H. (22 tuổi, Long Biên, Hà Nội) và trường hợp còn lại là một sinh viên ở Ứng Hòa, Hà Nội.


Gia đình của bệnh nhân H. cho hay, sau chầu rượu tất niên tối 29/12, H. trở về nhà trong tình trạng say xỉn và nôn thốc nôn tháo ra cả huyết. Vậy nên, gia đình vội vàng đưa H. tới cấp cứu tại Trung tâm Chống độc. Sau khi thăm khám bác sĩ cho biết, do uống quá nhiều rượu nên H. bị ngộ độc rượu, dẫn tới xuất huyết tiêu hóa, khiến bệnh nhân nôn ra máu.


Cũng vì quá chén dịp tất niên nên đêm 30/12, chàng sinh viên ở Ứng Hòa, Hà Nội được cấp cứu tức tốc từ bàn tiệc đến thẳng Trung tâm Chống độc. Một người thân của bệnh nhân cho biết, sau khi tỉ thí hết mấy chai rượu mua ở quán cóc vỉa hè cùng mấy người bạn, chàng sinh viên này gục luôn tại bàn nhậu rồi nôn dữ dội. Chỉ sau vài phút, bệnh nhân có biểu hiện co quắt chân tay, bị co giật và dần rơi vào trạng thái hôn mê.

 

Di chứng khó lường


Theo BS Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, nhiều người dân hiểu rất đơn giản rằng: Say rượu thì chỉ mệt 1-2 ngày là hết, sức khỏe sẽ trở lại bình thường. Nhưng thực tế không phải như vậy, say rượu (hay còn gọi là ngộ độc rượu) có thể dẫn tới nhiều hậu quả lâu dài đáng tiếc như suy gan, suy thận…


Mỗi năm, số người chết do ngộ độc rượu thường chiếm tới 26% số người chết do ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, có tới 62% số nạn nhân bị tai nạn và 34% số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ có nồng độ cồn trong máu cao. (Nguồn: Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế)

Tại Trung tâm Chống độc, tình trạng bệnh nhân ngộ độc rượu nặng phải nhập viện không hiếm, đa phần đều ở trong tình trạng tụt huyết áp, khó thở, hạ đường huyết, suy hô hấp, thậm chí hôn mê sâu và dẫn đến tử vong. Điều đáng lưu ý là trong vòng 5 năm trở lại đây, bệnh nhân ngộ độc rượu là sinh viên tăng hơn hẳn so với trước.


Để phòng tránh tình trạng ngộ độc rượu trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, các đấng mày râu nên chủ động uống rượu một cách chừng mực, không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu và 700ml/ngày đối với bia. Đặc biệt, tuyệt đối không được uống rượu khi đói, khi uống rượu phải ăn cơm và các thức ăn khác. Không sử dụng rượu theo kinh nghiệm dân gian, rượu giá rẻ, rượu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế, nhiều ca ngộ độc rượu dẫn tới tử vong là do uống phải rượu pha cồn công nghiệp, không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Liên Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN