Nghị lực phi thường của một thầy thuốc trẻ nhiễm HIV

Tiếp xúc với đại úy, y sĩ Nguyễn Quang Ánh, 1 trong10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 vừa được Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tuyên dương ngày 22/3, tôi cứ tự hỏi không biết con người nhỏ nhắn, có vẻ ngoài hơi trầm tính ấy lấy đâu ra nghị lực để nỗ lực khám chữa bệnh, vượt qua căn bệnh HIV mà anh không may mắc phải từ trước năm 2004.


Biến cố cuộc đời


Trại giam Thủ Đức, Tổng cục VIII, Bộ Công an, nơi đại úy, y sĩ Nguyễn Quang Ánh đang công tác, thường xuyên giam giữ từ 8.000 - 10.000 phạm nhân với nhiều mức án và tội trạng khác nhau. Trong số đó, có tới 10% phạm nhân nhiễm HIV/AIDS, 2% nhiễm lao và hầu hết đều mắc các bệnh xã hội như viêm gan, giang mai, lậu… Vậy nên, công việc khám chữa bệnh của anh Ánh và trên 20 đồng đội tại trạm xá trong trại giam này rất khác biệt so với những cán bộ y tế khác.

Đại úy, y sĩ Nguyễn Quang Ánh (đứng giữa) tại lễ tuyên dương 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2013.


Theo y sĩ Ánh, ở một nơi như trại giam Thủ Đức, lúc nào nhân viên y tế cũng ở trạng thái trực 24/24 giờ, sẵn sàng điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV chán đời, lười lao động nên tự rạch tay, nuốt kem đánh răng giả sốt hoặc đâm gai xương rồng để thân thể trông như bị phù thũng, nhiều người thậm chí còn chán sống không cho bác sĩ khám chữa bệnh, thường tìm cách tự sát…


“Giờ lao động, sẵn có cuốc, xẻng, dao là phạm nhân sẵn sàng “chiến” với đồng phạm. Nhiều khi thấy nạn nhân bị chém đứt động mạch, chúng tôi phải vội vàng cứu chữa ngay nên chẳng còn thời gian nào để đi găng tay cho dù biết đó là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS”, anh Ánh chia sẻ.


Và trong những lần khám chữa bệnh như thế, anh Ánh đã không may bị lây nhiễm HIV/AIDS. “Năm 2001, trong một lần xử lý chấn thương cho phạm nhân nhiễm HIV/AIDS Bùi Văn Phú, tôi đã bị anh ta hắt cả chậu nước lẫn máu vào mặt và người. Trước đó, do chán nản vì toàn thân lở loét, bệnh HIV đã chuyển sang giai đoạn cuối nên Phú đã dùng mảnh chai để tự hủy hoại thân thể và rạch động mạch tay, bụng, đùi; sau đó, dùng ca hứng máu, để hăm họa cán bộ và một số phạm nhân khác…”, anh Ánh kể lại.


Ánh cho biết, thực ra, đến nay, anh cũng không biết có phải mình bị nhiễm HIV/AIDS trong lần điều trị cho bệnh nhân Phú hay không, vì trong quãng thời gian từ năm 2001 - 2004, khi bắt đầu tham gia khám chữa bệnh cho tới lúc phát hiện bị nhiễm HIV, anh đã trực tiếp vuốt mắt cho khoảng 70 phạm nhân nhiễm HIV/AIDS, số phạm nhân mà anh khám chữa bệnh trong thời gian đó ước lên tới cả mấy ngàn lượt người.


Vậy nên, mãi cho tới năm 2004, khi đưa vợ đi sinh ở Bệnh viện 30/4, Bộ Công an, anh Ánh mới biết được tin dữ: “Cả hai vợ chồng anh đều bị lây nhiễm HIV”. Khi ấy, vợ anh Ánh đã không vượt qua được cú sốc, chị đã tự tử ngay khi con gái mới sinh chưa đầy 30 ngày!


Ánh chia sẻ rằng, anh cũng vô cùng bàng hoàng khi biết tin mình nhiễm HIV, có lúc anh cũng không thiết sống nữa. Nhưng nghĩ đến con gái còn đỏ hỏn, luôn khóc ngặt vì chưa một ngày được bú mẹ, anh lại gắng gượng sống.


Đứng đậy từ nỗi đau


“Lãnh đạo nơi đơn vị tôi công tác, rồi Bộ Công an, cũng có ý tạo điều kiện cho tôi chuyển công tác về Hà Nội để gần con, gần gia đình tại Chúc Sơn, Chương Mỹ;. Tôi cũng có bằng cử nhân luật nên nhiều đơn vị bên ngoài cũng đề nghị tôi về công tác với mức lương cao… Nhưng dường như là cái nghiệp nên tôi quyết định vẫn gắn bó với trại giam Thủ Đức. Hơn nữa, tôi cũng nghĩ rằng, ngã ở đâu thì nên gượng dậy ở đó”, thầy thuốc trẻ Nguyễn Quang Ánh chia sẻ.


Bởi vậy, cho đến nay, anh Ánh vẫn tiếp tục hỗ trợ đồng đội khám chữa bệnh, giáo dục phạm nhân, tham gia công tác quản lý, bảo vệ trại giam. Với anh, mỗi lần điều trị thành công cho một người bệnh, mỗi lần cảm hóa được một phạm nhân, giúp họ vững tin hơn vào cuộc sống mai này sau khi mãn hạn tù… là mỗi lần anh có thêm niềm vui và thấy cuộc sống thật ý nghĩa.


Trong câu chuyện với thầy thuốc trẻ Nguyễn Quang Ánh, có thể thấy rõ bên cạnh niềm vui trong công việc, anh còn có một niềm vui khác, đặc biệt hơn, đó là cô con gái nhỏ đang học lớp 4, đang sống cùng ông bà nội ở Chương Mỹ, Hà Nội.


Đại úy Ánh tâm sự rằng, rất thương và nhớ con gái nên cũng có lúc muốn đưa cháu vào trại Thủ Đức để hai bố con sống bên nhau. Tuy nhiên, vì nghĩ đến tương lai của con, muốn cháu được lớn lên như bao trẻ nhỏ khác nên anh quyết định vẫn để con sống cùng ông bà nội.


“Tôi xác định sẽ có một ngày mình phải ra đi, nên nghĩ rằng con ở với ông bà thì tốt hơn. Mỗi ngày, bố con tôi vẫn thường gọi điện, liên lạc với nhau. Con gái giờ cũng đã học lớp 4 nên đã biết tự chụp hình và lên mạng để gửi thư, gửi ảnh cho bố”, anh Ánh cho biết.


Vội vã tạm biệt chúng tôi để sớm về quê thăm con gái và gia đình để hôm sau còn trở lại đơn vị, anh Ánh chỉ kịp chia sẻ thêm: “Nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn được làm cán bộ y tế trong trại giam. Đó là công việc, là sự sống của tôi”.


Câu trả lời đầy cương quyết, tự tin của Ánh khiến những ai đối diện đều cảm phục nghị lực sống ở người thầy thuốc dù mang bệnh hiểm vẫn đầy tâm huyết, sẵn sàng dành sức lực còn lại của cuộc đời để chăm sóc cho người bệnh. Chúng tôi đều mong anh có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sống, tiếp tục công việc khám chữa bệnh mà anh đã coi như cái nghiệp và đặc biệt để tiếp tục chứng kiến sự trưởng thành của cô con gái nhỏ mà anh rất đỗi thương yêu.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN