Nghi án mất tích bom nguyên tử của Mỹ

Năm 1950, Lực lượng không quân Mỹ lần đầu tiên đánh mất một quả bom nguyên tử. Kể từ đó ra, sự cố mang mật danh "Mũi tên gẫy" này đã bị bao phủ bởi một tấm màn bí mật. Dường như bất kỳ thông tin nào liên quan đến sự cố quả bom nguyên tử bị thất lạc đều được Mỹ coi là tuyệt mật và họ không bao giờ hé lộ kết cục thực sự của sự cố chết người này. Chính vì lý do đó mà cho đến nay, rất nhiều người vẫn tò mò muốn biết câu chuyện quả bom nguyên tử bị mất tích.

Cuộc thử nghiệm không thành

Lực lượng không quân Mỹ lên kế hoạch tiến hành một cuộc diễn tập mô phỏng tình huống của một cuộc tấn công hạt nhân vào thành phố San Francisco, bang California. Cuộc diễn tập này không phải là để đánh giá xem điều gì sẽ xảy ra đối với một thành phố ở Mỹ bị tấn công bằng bom hạt nhân mà thực ra đây là cuộc diễn tập tấn công Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân của không quân Mỹ.



 

Máy bay ném bom B36.


Mục tiêu của cuộc diễn tập này là tìm hiểu xem liệu các máy bay ném bom B36 có khả năng tiến hành tấn công hạt nhân Liên Xô trong những tháng mùa đông ở những khu vực mà nhiệt độ thường dưới 0 độ C hay không. Trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp như vậy, loại máy bay B36 đã từng gặp sự cố với bộ phận động cơ cho nên với người Mỹ, cuộc thử nghiệm lần này là vô cùng quan trọng.

Ngày 13/2/1950, một máy bay ném bom Convair B36 mang số hiệu 44-92075 (thường được biết đến với cái tên B36 075) mang theo phi hành đoàn gồm 17 người cất cánh từ Eielson AFB ở bang Alaksa (Mỹ). Chiếc máy bay ném bom B36 không chỉ đơn giản tiến hành chuyến bay giả định mà không mang theo hàng hóa gì trên khoang máy bay. Thực tế, nó đang chở một quả bom nguyên tử Mark IV được đặt tên là Người béo, phiên bản cải tiến của hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản.B36 dự kiến sẽ bay xuôi xuống bờ biển các bang Alaska và British Columbia trước khi quay vào đất liền. Sau đó, nó sẽ bay về hướng Great Falls, tiếp tục hoàn thành quy trình bay bằng cách bay trên bầu trời thành phố San Francisco trước khi hạ cánh xuống bang Texas.

Quả bom hạt nhân Mark IV.

Trước khi chiếc B36 cất cánh, nó đã gặp trục trặc động cơ bởi vì nhiệt độ khi đó xuống tới -40oC. Sau khi cất cánh, mọi thứ dường như vẫn diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau khi bay được 7 giờ, 3 trong số các động cơ của máy bay bắt đầu bốc cháy và người ta buộc phải tắt các động cơ này để tránh hỏa hoạn. Thế nhưng, chỉ với 3 động cơ còn lại, chiếc máy bay B36 không đạt đủ công suất cần thiết. Điều này buộc phi hành đoàn không còn cách nào khác là phải chọn phương án bỏ rơi chiếc máy bay.

Trước khi rời máy bay, Không quân Mỹ ra lệnh cho phi hành đoàn phải cho nổ quả bom Mark IV ở giữa không trung trên khu vực Thái Bình Dương. Bởi vì đây chỉ là một cuộc diễn tập nên quả bom không chứa lõi hạt nhân. Cơ trưởng chuyến bay sau đó điều khiển máy bay bay lên khu vực không phận của đảo Princess Royal, vì thế mà phi hành đoàn có thể nhảy dù xuống đất chứ không phải xuống dòng nước Thái Bình Dương lạnh lẽo. Trước đó, họ đã bật chế độ lái tự động. Trong toàn bộ thời gian này, các thành viên thuộc phi hành đoàn điều khiển chiếc B36 075 vẫn luôn giữ liên lạc với Bộ tư lệnh không quân chiến lược.

Cơ trưởng không chết?

Theo tài liệu của Không quân Mỹ, quả bom đã được kích nổ trên bầu trời Thái Bình Dương không có lõi hạt nhân vì thế không gây ra một vụ nổ bom nguyên tử; và tổ lái trên chiếc máy bay đã điều khiển máy bay bay trở lại hướng đảo để các thành viên nhảy dù xuống một cách an toàn. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, điều này là không đúng sự thật vì rất nhiều lý do.Thứ nhất, Không quân Mỹ khẳng định, chiếc máy bay đâm xuống biển sau khi toàn bộ phi hành đoàn đã nhảy dù ra khỏi máy bay.

Tuy nhiên, sau khi sự kiện này xảy ra được 4 năm, người ta đã tìm thấy vị trí chiếc máy bay B36 rơi là một khu vực không có dân cư sinh sống thuộc bang British Columbia (Canađa). Thứ hai, nhiều tài liệu cho thấy, Không quân Mỹ đã bí mật cử người tới khu vực mà người ta đã phát hiện ra chiếc máy bay bị rơi. Và một điểm thú vị nữa là sau khi xảy ra vụ rơi máy bay thì viên cơ trưởng đã biến mất một cách khó hiểu. Theo lời kể của nhiều nhân chứng và các dấu vết để lại tại hiện trường, trong số 17 người có mặt trên máy bay có 12 còn sống, 4 người bị chết và 1 người (cơ trưởng) mất tích; trong khi đó, báo cáo của Không quân Mỹ là 12 người còn sống và 5 người bị chết.

Một giả thiết được đưa ra là cơ trưởng ở lại trên máy bay và không chuyển máy bay sang chế độ lái tự động sau khi mọi người đã rời máy bay. Sau đó, anh ta điều khiển máy bay để cố gắng đưa nó quay trở về bang Alaska nhưng không được và máy bay bị rơi xuống đất. Một giả thiết khác lại cho rằng anh ta không chết và đã nhảy dù ra khỏi máy bay; sau đó sống một cuộc sống ẩn dật cho đến hết đời mà không tiết lộ danh tính thực cho bất kỳ ai.

Nếu điều này xảy ra thì quả bom nguyên tử trên chiếc máy bay B36 kia chưa bao giờ được kích nổ và có thể vẫn đang nằm ở một nơi nào đó trong các vùng biển trên Thái Bình Dương hoặc trên các dãy núi ở bang British Columbia.Ngoài ra, trong số 5 người được cho là đã chết thì 4 người trong số họ được lấy tên để đặt cho các con đường trong một căn cứ không quân. Tuy nhiên, không con đường nào được đặt theo tên của viên cơ trưởng.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN