Nghề công tác xã hội trong bệnh viện còn nặng tính tự phát

Nhỏ lẻ, tự phát và thiếu tính chuyên nghiệp, đó là thực trạng về nghề công tác xã hội đang diễn ra tại các bệnh viện (BV) ở nước ta.


Chỉ 22,7% BV có đầu mối chuyên trách


Từ năm 2010, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010 - 2020. Sau đó, năm 2011, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH trong ngành y tế giai đoạn 2011 - 2020.


Từ đó đến nay, tại một số BV đã triển khai hoạt động CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm, tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh, góp phần làm giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên theo TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: “Hoạt động CTXH trong ngành y tế hiện mới chỉ mang tính tự phát, đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nên còn thiếu tính chuyên nghiệp”.

Ước tính, 42 BV tuyến TƯ và 348 BV tuyến tỉnh cần khoảng 780 nhân viên CTXH chuyên trách và 15.600 nhân viên CTXH kiêm nhiệm. Tại BV tuyến huyện, với 615 BV huyện trong cả nước, ước tính cần khoảng trên 3.000 nhân viên CTXH chuyên trách và trên 12.000 nhân viên CTXH kiêm nhiệm. (Nguồn: Bộ Y tế)


Kết quả khảo sát mới nhất của ngành y tế tại 26 BV cho thấy, chỉ có 5/22 đơn vị có đầu mối chuyên trách về CTXH, chiếm 22,7%. Mô hình tổ chức của đầu mối chuyên trách tại 5 BV này cũng không đồng nhất, nơi trực thuộc Ban giám đốc, nơi thuộc Phòng Điều dưỡng, nơi thì do Đoàn thanh niên phụ trách. Còn lại phần đông các BV đang lồng ghép hoạt động về CTXH trong từng khoa, phòng trực thuộc.


“Hiện nay, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ quan niệm CTXH gắn liền với hoạt động cung cấp thông tin về quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân, cung cấp các hỗ trợ về vật chất mang tính từ thiện xã hội hoặc kết nối với các dịch vụ phục vụ sinh hoạt trong và ngoài BV”, TS Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách y tế, khẳng định.


Cần có thêm chế tài


Theo TS Trần Quý Tường, nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế có vai trò rất quan trọng. Họ tựa như cầu nối giữa người bệnh và BV, giúp mối quan hệ tương tác giữa hai đối tượng này hài hòa và gắn kết, đem lại lợi ích cho cả hai bên.


Nếu thực hiện hiệu quả, CTXH rất hữu ích trong quá trình phục hồi chức năng, chăm sóc tâm lý xã hội cho người bệnh, phụ nữ, trẻ em, nhất là những nạn nhân của bạo hành gia đình, của các hành vi xâm hại... Đặc biệt, nhân viên CTXH còn trực tiếp tìm hiểu các đặc điểm tâm lý xã hội, hoàn cảnh sống, tình trạng bệnh tật... của người bệnh để cung cấp những dịch vụ hỗ trợ thích hợp. CTXH giúp tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân và những người xung quanh, giữa người bệnh với nhân viên y tế, với cơ sở y tế..., thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và làm tăng sự hài lòng của người dân. Nếu CTXH tốt thì góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc...


Ở miền Bắc, BV Nhi TƯ là nơi đi đầu trong thực hiện CTXH trong BV. BV có một phòng CTXH với 7 cán bộ, hoạt động bài bản và khá hiệu quả từ nhiều năm nay. ThS Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng CTXH BV Nhi TW cho biết, trong thời gian qua, hoạt động CTXH đã giúp cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; hướng dẫn cho gia đình bệnh nhi hiểu rõ về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm và các hoạt động khác của BV... Riêng năm 2013, BV Nhi TW đã vận động sự tham gia ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp đỡ bệnh nhân hàng chục tỷ đồng; trong đó hỗ trợ 80 ngàn suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân, hỗ trợ suất ăn cho bệnh nhân đặc biệt khó khăn trong quá trình điều trị tại BV; vận động và hỗ trợ kinh phí điều trị cho hơn 2.200 bệnh nhi với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng và rất nhiều hoạt động khác.


“Mô hình CTXH thí điểm tại BV 115, TP Hồ Chí Minh đã giúp cho người bệnh hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh. Người bệnh hài lòng hơn vì được nhân viên CTXH hỗ trợ tốt hơn thủ tục quy trình khám, chữa bệnh, các dịch vụ cận lâm sàng; giải thích tư vấn tận tình trước khi xuất viện. Các bác sỹ cũng có nhiều thời gian dành cho người bệnh", BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết.


Tuy nhiên, BV Nhi TƯ, BV 115 cũng chỉ là những “điểm sáng” hiếm hoi trong hoạt động phát triển nghề CTXH. Thực tế này đòi hỏi, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy nghề CTXH trong BV.


Theo ông Trần Quý Tường, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của phòng CTXH trong BV. Khi Thông tư này ra đời thì lãnh đạo các BV sẽ phải quan tâm, đầu tư nguồn lực để thúc đẩy nghề CTXH trong BV, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám, chữa bệnh cho người bệnh.


Lê Hảo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN