Ngành chăn nuôi trước sức ép cạnh tranh - Bài 1: Nguy cơ thua trên sân nhà

Ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn khi Việt Nam dự kiến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay 2014 và Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực vào năm 2015.


Bài 1: Nguy cơ thua trên sân nhà


Thịt ngoại rẻ hơn thịt nội


Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, TPP có thể sớm được thông qua trong năm 2014. Việc giảm thuế theo các cam kết trong TPP có thể khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng mạnh mẽ do các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm được nhập khẩu về sẽ có mức giá giảm hơn hiện nay.

Kiểm tra thịt nhập khẩu tại kho lạnh Swire trong khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN


Theo các chuyên gia nông nghiệp, khi Hiệp định TPP được ký kết, ngành chăn nuôi sẽ là lĩnh vực đầu tiên dễ bị tổn thương vì thuế suất nhập khẩu mặt hàng thịt sẽ về mức 0%. Hơn nữa, tham gia Hiệp định TPP có nhiều cường quốc về nông nghiệp như: Mỹ, Australia, Canada... nên sức cạnh tranh của thịt ngoại là rất lớn.


Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho biết, hiện nay mặc dù chưa có thuế bằng 0% nhưng giá thịt gia cầm, gia súc ngoại có loại đã rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng trong nước. Ví dụ, thịt bò nhập từ Australia đã được ưa chuộng tại nước ta nhờ tính cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Thịt bò hơi Australia nhập khẩu giá 2,2 - 2,7 USD/kg (tương đương 45.000 - 55.000 đồng/kg). Trong khi giá bò vàng nuôi trong nước khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg.


Ông Nguyễn Đăng Vang cũng cho biết, Australia, Mỹ, Canada đặc biệt có lợi thế trong chăn nuôi bò nên giá thành thấp. Hơn nữa, giống bò thịt của họ được lai tạo nên có trọng lượng và chất lượng thịt ngon hơn bò vàng ở Việt Nam.


Thừa nhận tình trạng một số sản phẩm thịt nhập ngoại rẻ hơn thịt nội, ông Văn Đức Mưới, Tổng Giám đốc Công ty Vissan lo lắng: “Những sản phẩm chăn nuôi từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn và thực tế lộ trình đang đến sớm hơn rất nhiều. Hiện không ít các loại thịt gia súc, gia cầm đã được nhập vào bày bán trong nước với mức giá cạnh tranh”.


Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay, các sản phẩm thịt nhập vào Việt Nam đang phải chịu thuế nhập khẩu nhưng các sản phẩm sản xuất trong nước vẫn đang “vất vả” cạnh tranh về giá cả. Khi các hiệp định AFTA có hiệu lực và có thể thêm TPP thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.


Nâng cao sức cạnh tranh


Giá bán sản phẩm chăn nuôi trong nước thiếu tính cạnh tranh, thậm chí cao hơn hàng nhập khẩu là do nhiều nguyên nhân. Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết: “Ngành chăn nuôi đang có 3 điểm yếu, thứ nhất là phát triển không bền vững về năng suất, giá cả. Thứ hai, chất lượng một số giống vật nuôi thấp. Ví dụ, lợn giống nước ngoài sinh khoảng 25 - 26 con/lứa, nhưng ở Việt Nam chỉ đạt 17 - 20 con/lứa. Vấn đề thứ ba là hình thức tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao”.


Một nguyên nhân khác khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều bấp bênh là do không tự chủ được nguồn thức ăn. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn ngoại chiếm tới hơn 60% thị phần cả nước. Doanh số hàng năm của các doanh nghiệp này lên tới 6 tỷ USD. Các doanh nghiệp này nhờ lợi thế khép kín vừa sản xuất thức ăn, vừa tổ chức chăn nuôi tập trung quy mô lớn nên dần chi phối, lũng đoạn ngành chăn nuôi trong nước. Do đó, theo các chuyên gia nông nghiệp, để chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả, cần phải có các giải pháp để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi.


Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của sản phẩm chăn nuôi thì cần phải gắn với việc nâng cao chất lượng con giống. Cục Chăn nuôi cho biết, trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ triển khai những biện pháp khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn lai giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới để lai tạo ra những bộ giống tốt.


Việt Nam là một trong những nước hay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh liên tục hoành hành trong những năm gần đây. Do đó, ngành chăn nuôi cần giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tăng cường dịch vụ thú y; quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; bố trí đủ nguồn lực để chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Lê Nghĩa - H.V

 

Bài cuối: Đẩy mạnh tái cơ cấu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN