Nga: Phương Tây là nguồn cơn khủng hoảng tại Ukraine

Ngày 8/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavov tuyên bố nguyên nhân dẫn đến tình huống phức tạp hiện nay tại Ukraine chính là do phương Tây đã không thực hiện các thỏa thuận ký ngày 21/2 giữa Tổng thống V.Yanukovych và đại diện phe đối lập, trước sự chứng kiến của các Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Lavrov, vào ngày 21/2 khi đại diện Nga có mặt cùng với các bên nêu trên để đàm phán ký một thỏa thuận nhằm giải quyết khủng hoảng tại Ukraine, phương Tây đã cam kết nếu ông Yanukovych thực hiện các nghĩa vụ của mình thì phương Tây sẽ thuyết phục phe đối lập "giải giáp" và ngăn chặn không để các phần tử dân tộc cực đoan "điều khiển" toàn bộ quá trình cải cách. Sau đó, ông Yanukovych đã thực hiện tất cả những gì đã hứa, tuy nhiên phương Tây đã không giữ lời.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) ngày 7/3 đã có cuộc gặp với lãnh đạo đảng đối lập Ukraine Vitali Klitschko (thứ hai, trái) và Nghị sĩ Quốc hội lâm thời, cựu Ngoại trưởng Petro Poroshenko (trái) để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngoại trưởng Nga nêu rõ đó chính là nguyên nhân đẩy cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đi xa đến nguy cơ phân lập, chủ nghĩa cực đoan, xung đột quân sự như hiện nay. Ông cho rằng chính quyền lâm thời hiện nay tại Kiev không phải là chính quyền độc lập mà đang phụ thuộc vào những phần tử cực đoan nói trên.

Trong cuộc hội đàm cùng ngày tại Moskva với người đồng cấp Tajikistan, ông Lavrov nhấn mạnh Nga sẵn sàng cho một cuộc đối thoại "trung thực, bình đẳng" với phương Tây nhằm tìm ra giải pháp. Ngoại trưởng Nga kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào cuộc điều tra để xác định ai đứng đằng sau các vụ người biểu tình và nhân viên bảo vệ pháp luật bị thiệt mạng do các phát súng bắn tỉa trong cuộc biểu tình tại Kiev hồi tháng 2. Sau đó, Đại diện cấp cao EU về vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại Catherine Ashton đã khẳng định EU yêu cầu Ukraine phối hợp với Hội đồng châu Âu tiến hành điều tra độc lập "các vụ giết người có chủ đích tại Maidan" này.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) đã hoãn phiên họp khẩn cấp lần thứ 5 chỉ trong vòng 1 tuần về vấn đề Ukraine. Cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 8/3 sẽ dời lại đến thời điểm sớm nhất là ngày 10/3 tới.

Hai cuộc họp gần đây nhất được tiến hành kín, nội dung không công bố sau đó. Tuy nhiên, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết HĐBA đã không thảo luận về vấn đề nóng hổi nhất hiện nay là cuộc trưng cầu ý dân về quy chế của CH tự trị Krym thuộc Ukraine, sẽ diễn ra vào ngày 16/3 tới, theo đó hỏi ý kiến người dân tán thành sáp nhập Crưm (Krym) vào liên bang Nga như một chủ thể liên bang hay khôi phục lại Hiến pháp năm 1992 và quy chế Krym như là một bộ phận của Ukraine.

Về vấn đề này, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia tuyên bố Ukraine sẽ không từ bỏ Krym, tuy nhiên sẽ nỗ lực để giải quyết vấn đề xung đột này bằng con đường ngoại giao.


TTXVN/Tin Tức
Át chủ bài của Nga trong 'cuộc chiến' với EU, Ukraine
Át chủ bài của Nga trong 'cuộc chiến' với EU, Ukraine

Nhu cầu về khí đốt của Nga từ các nước bên ngoài khối cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã tăng mạnh trong tuần qua khiến các chuyên gia hàng đầu suy đoán rằng các nhà cung cấp đang tích trữ trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN