Nga giữ ngôi “á quân” về lao động nhập cư

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Nga hiện đứng thứ hai về sở hữu nhân công ngoại quốc và thứ tư về lượng tiền “vượt biên”. Các chuyên gia Nga cho rằng điều này không có lợi cho đất nước vì nó chứng tỏ thị trường lao động có vấn đề và kìm hãm mức tăng của đồng lương.

12,3 triệu người và 18,6 tỷ USD

Theo dự báo của WB, đến cuối năm nay Nga sẽ có tổng cộng khoảng 12,3 triệu lao động nhập cư, chỉ xếp sau Mỹ (42,8 triệu người). WB cũng khẳng định, năm ngoái đã có 18,6 tỷ USD “chạy” ra khỏi biên giới Nga. Trong lĩnh vực này Nga đứng sau Mỹ (48,3 tỷ USD), Arập Xêút (26 tỷ USD) và Thụy Sĩ (19,6 tỷ USD).

Lao động nhập cư ở Nga chấp nhận công việc lương thấp và nặng nhọc.

Điều thú vị là số tiền mà Nga “chảy máu” lại chiếm tỷ lệ rất đáng kể trong GDP của một số nước láng giềng. Đối với Tagikixtan là 35%, Mônđôva là hơn 20%. Đồng thời, các chuyên gia phân tích của WB cho biết rằng lượng tiền mà lao động nhập cư nhận được trên toàn châu Âu và Trung Á giảm 23% vào năm 2009 do khủng hoảng kinh tế. Nhưng vào năm 2010 lượng tiền này đã tăng 3,7%. Nên lưu ý đến chi tiết là tỷ lệ số tiền người Nga gửi ra nước ngoài cho thân nhân không đáng kể, chủ yếu lao động nhập cư gửi tiền về nhà.

Theo đánh giá của các nhà kinh tế, một mặt dòng tiền chảy vào các nước thuộc Liên Xô cũ (SNG) có lợi cho Nga bởi một số mặt hàng của Nga cũng xuất sang đó. Tuy nhiên, xét từ góc độ khác thì 18,6 tỷ USD nói trên bị lấy khỏi vòng quay thanh toán của người Nga và “hoạt động” ở ngoài nền kinh tế nước này. Ngoài ra, nhiều khi tiền được chuyển ra nước ngoài không theo con đường chính ngạch, có nghĩa là nước Nga thất thu thuế. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, chỉ trong hai quý đầu năm 2010 đã có khoảng 6,3 tỷ USD được các cá nhân chuyển từ Nga sang các nước SNG. Đứng đầu là Udơbêkixtan (1,7 tỷ USD), tiếp đến là Ucraina (1,2 tỷ USD) và Tátgikixtan (1,028 tỷ USD).

Dân nhập cư “áp đảo” người bản địa

Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, hiện tại ở Nga tỷ lệ lao động nhập cư trong số người ở độ tuổi hoạt động kinh tế tích cực là gần 10%, tương ứng với mức chung của các nước EU. Tỷ lệ này gần như trùng hợp với số liệu của WB và lớn hơn nhiều so với tính toán của FMS. Trong khi đó, Mikhail Kroshenko, chuyên gia độc lập về thị trường lao động ở Nga, khẳng định rằng, thực sự thì chẳng ai biết con số chính xác. Ông nói: “Con số chính thức dao động từ 4 đến 5 triệu người, còn các chuyên gia quốc tế nêu ra con số 10 – 12 triệu người tùy từng thời điểm, có nghĩa là tình trạng nhập cư trái phép cao hơn hình dung của FMS. Nhưng điều quan trọng không phải ở chỗ đó mà ở chỗ Nga lúc nào cũng có nhu cầu bổ sung người lao động, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng”.

Kroshenko cũng bác bỏ lập luận của các chuyên gia nước ngoài rằng người nhập cư chỉ làm những việc mà dân bản địa “chê ỏng chê eo”. Ông cho biết: “Mặc dù cuộc khủng hoảng đã qua nhưng trên thị trường lao động Nga chưa có gì biến chuyển. Vấn đề trình độ chuyên môn và mất cân đối về lãnh thổ trong nhu cầu tuyển dụng mang tính toàn cầu vẫn còn. Điều này có nghĩa là ở vùng này có nhân công nhưng không có việc làm, ở chỗ khác thì ngược lại”. Theo ông, có thể giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở Nga bằng nguồn nhân công tại chỗ. Tuy nhiên điều này là không thể vì vấn đề nhà ở chưa được giải quyết. Trong khi đó nhân công ngoại quốc chấp nhận điều kiện sống tồi tệ - ngủ trong toa tàu hỏng với mật độ 10 người/m2 - và tiền lương rẻ mạt.

Theo Kroshenko, ở Nga tồn tại sự mất cân đối nhân sự ngay cả trong những vùng không thiếu việc làm. Đất nước này đã để mất sạch những người thợ lành nghề bởi trong 20 năm qua đã hình thành trong xã hội thái độ coi thường lao động chân tay. Các bậc cha mẹ trả tiền cho con học đại học nên định hướng thế hệ tương lai vào những ngành “êm ái”. Và thế là ở Nga đầy rẫy những luật sư và chuyên viên PR chẳng ai cần đến. Trong khi đó, những tay thợ nước ngoài chỉ tốt nghiệp phổ thông và có chuyên môn cần thiết lại chiếm chỗ ở các khu vực kinh tế phát triển của Nga. Ngay cả vị trí bác sĩ cũng phải thuê người của các nước SNG.

Lao động nhập cư có cùng trình độ chuyên môn có lợi thế hơn so với người Nga bởi dân bản địa ngoài lương cao còn đòi hỏi phải giải quyết cả vấn đề nhà ở. Do đó nhận công nhân ngoại quốc có lợi hơn cho các ông chủ.

Trần Quang Vinh
(theo Newizv)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN