Nga, chiến trường ngoại giao Trung - Mỹ

Tam giác chiến lược thời Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại và trong giai đoạn này, lợi thế thuộc về Nga.

Trực thăng, xe tăng quân đội Nga và Trung Quốc trong cuộc diễn tập chung năm 2013.

Hiện nay, khi Trung Quốc trỗi dậy cùng những căng thẳng với Mỹ gia tăng, một tam giác chiến lược mới đang được định hình giữa Bắc Kinh, Washington và Moskva. Mặc dù xuất hiện nhiều yếu tố mới trong tam giác chiến lược này, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa thế “kiềng 3 chân” hiện đại và trước đây, đó là Nga và Trung Quốc đã hoán đổi vị trí cho nhau. Có nghĩa là, bây giờ và trong tương lai, Nga là “giải thưởng lớn” của một "cuộc tranh giành" song phương Trung - Mỹ.


Việc xác định chính sách đối ngoại của Moskva với Washington và Bắc Kinh sẽ là trung tâm trong quan hệ Trung - Mỹ, giống như Trung Quốc từng là một thành phần quan trọng như vậy trong cuộc cạnh tranh Xô -Mỹ trước đây.


Vấn đề địa lý được cho là lý do lớn nhất và quan trọng trong mối quan hệ “tam giác chiến lược”. Trung Quốc và Nga có chung đường biên giới lớn nhất thế giới. Đây sẽ là một lỗ hổng rất lớn hay là một cơ hội to lớn cho Trung Quốc. Nếu Mỹ thành công trong việc kéo Nga về phía mình - hoặc nếu quan hệ Nga - Trung xấu đi thì sức mạnh của Bắc Kinh tại khu vực tây Thái Bình Dương sẽ không thể hiện được nhiều.


Trong tương lai, Trung Quốc vẫn phải tập trung nguồn lực quân sự tại khu vực biên giới với các nước như Nga, Ấn Độ và CHDCND Triều Tiên cũng như khu tự trị phía tây. Như vậy, một liên minh với Nga chắc chắn sẽ giúp Mỹ kiềm chế sự mở rộng của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Trong khi đó, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục tập trung nguồn lực quân sự của mình hướng ra bên ngoài và sẽ làm giảm đáng kể tính “dễ tổn thương” của Bắc Kinh trước quân đội Mỹ và đồng minh, giữa bối cảnh Lầu Năm Góc gần đây đang tranh luận về các tiện ích của việc áp đặt lệnh phong tỏa đối với Trung Quốc nếu xảy ra một sự cố nghiêm trọng trong các mối quan hệ với nước này.
Chiến lược này của Mỹ nhằm tìm cách khai thác điểm yếu của Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào các tuyến đường thông thương trên biển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Nếu Moskva hợp tác với Bắc Kinh, Trung Quốc có thể giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng và gia tăng ảnh hưởng đối với các nước Trung Á.


Với Mỹ, Moskva cũng có vai trò quan trọng trong chiến lược “xoay trục” tới châu Á của Washington. Tổng thống Obama ngay khi mới nhậm chức đã cam kết "thiết lập lại" quan hệ với Nga và tất cả các bằng chứng đều cho thấy sự hợp tác giữa hai nước đang có hiệu quả về về các vấn đề như kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran và Afghanistan.


Mặc dù quan hệ Mỹ - Nga bị xấu đi trong trong vài năm qua, nhưng việc hàn gắn các mối quan hệ sẽ dễ dàng trong những năm tới. Hơn nữa, Mỹ có lợi thế hơn so với Trung Quốc trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với Nga do vấn đề địa lý tự nhiên của Bắc Kinh và Moskva - 2 quốc gia láng giềng lớn thường đề phòng lẫn nhau.


Tuy nhiên, để khai thác lợi thế tự nhiên này, Mỹ phải thiết lập chính sách ưu tiên rõ ràng trong mối quan hệ với Nga. Mỹ không thể trông đợi vào việc hợp tác mạnh mẽ với Nga ở Thái Bình Dương nếu tiếp tục chỉ trích Moskva về vấn đề nhân quyền.


Mỹ cũng phải ưu tiên hợp tác với Nga ở Thái Bình Dương hơn các khu vực khác trên thế giới và trước hết, Washington nên tránh để tranh chấp trong khu vực khác ảnh hưởng đến quan hệ với Moskva ở khu vực này. Như vậy, trong một số lĩnh vực, Mỹ sẽ phải đưa ra một sự lựa chọn về việc liệu các vấn đề thuộc khu vực khác có đủ quan trọng để có thể “đánh chìm” mối quan hệ với Nga ở Thái Bình Dương hay không. Trong "thế kỷ châu Á", câu trả lời cho câu hỏi này hầu như luôn là "không".


Công Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN