Nga buộc đáp trả nếu NATO tăng cường hiện diện tại châu Âu

Trong trường hợp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tăng cường lực lượng tại châu Âu, Nga sẽ buộc phải đáp trả và có đủ mọi phương tiện để làm việc này.

Binh sĩ tham gia một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: THX-TTXVN


Đó là tuyên bố của Đại diện thường trực Nga tại NATO Aleksander Glushko trên truyền hình Nga ngày 27/5. Ông Glusco đưa ra tuyên bố trên khi được hỏi về khả năng Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vacsava năm 2016 sẽ đưa ra quyết định tăng cường lực lượng tại châu Âu.

Theo ông Glushko, khả năng đó sẽ dẫn đến chính sách rất tiêu cực, làm gia tăng cảm giác "cận kề chiến tuyến" của các nước vùng Baltic, tạo cớ bịa đặt ra cái gọi là "mối đe dọa từ phía Nga" để che đậy cho những sai lầm đối nội và đối ngoại.

Đề cập đến tuyên bố của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng không thể ngăn cản các nước gia nhập NATO, Đại diện Nga nhắc lại nguyên tắc an ninh tập thể, khi không nước nào được tăng cường an ninh của mình bằng cách gây thiệt hại cho nước khác.

Nga có quyền đảm bảo an ninh của mình, và kế hoạch mở rộng biên giới của NATO được Moskva xem là mối đe dọa. Do đó, nếu những kế hoạch này của NATO không tính đến quyền lợi của các bên thì sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Liên quan đến mâu thuẫn gay gắt nhất hiện nay giữa Nga và NATO là cuộc xung đột tại Ukraine, Đại diện Nga tại NATO khẳng định vai trò của tổ chức này tại Ukraine có tác động tiêu cực lớn khi tiếp tục "định vị" Nga như một nước tham gia xung đột, từ đó cổ vũ Kiev đưa ra các giải pháp vũ lực.

Ông chỉ ra rằng việc NATO gắn biện pháp trừng phạt Nga với thỏa thuận Minsk thực chất là muốn Nga đơn phương thực hiện thỏa thuận này. Ông Glushko cũng tỏ ý nghi ngờ về triển vọng Ukraine và Gruzia gia nhập NATO do việc này sẽ tác động tiêu cực đến nền an ninh ở châu Âu.

Những tuyên bố của Đại diện Nga tại NATO được xem là nhằm đáp trả những chỉ trích mà NATO đưa ra trước đó về việc Nga bố trí các dàn tên lửa tại thành phố Kaliningrad, gần biên giới với Ba Lan, khi cho rằng Nga đang làm mất ổn định an ninh tại châu Âu.

Liên quan vấn đề này, Phó Tổng thống Mỹ Jo Biden ngày 27/5 cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga cần được duy trì cho đến khi "thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ", hàm ý kêu gọi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ gia hạn lệnh trừng phạt khi nhóm họp vào cuối tháng Sáu tới.

Quan hệ Nga-NATO đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine và hoạt động mở rộng về phía Đông của NATO. Hai bên vẫn duy trì những tuyên bố sẵn sàng nối lại hợp tác, tuy nhiên thường xuyên đưa ra các cáo buộc lẫn nhau về dự định gây bất ổn.



TTXVN/Tin tức
Châu Âu khó đảm bảo ngân sách quốc phòng NATO
Châu Âu khó đảm bảo ngân sách quốc phòng NATO

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine, có khoảng 1/3 số thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng nhằm củng cố tiềm lực quân sự.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN