Nên tổ chức đoàn giám sát đặc biệt về tham nhũng

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, kết quả thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội; công tác phòng chống tham nhũng năm 2013. Bền lề Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) (ảnh) trao đổi với báo chí xung quanh chủ đề này:

 


Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến công tác phòng tham nhũng thời gian vừa qua chưa đạt kết quả như mong muốn?


Các đại biểu nói về thể chế pháp luật chưa chặt chẽ. Tôi cho rằng, chúng ta đang cải thiện thể chế rất nhiều. Vấn đề là việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Ở đây có yếu tố trách nhiệm, nghĩa là những người đứng đầu thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng phải quyết liệt. Hay từng cán bộ trong cơ quan điều tra, thanh tra, bảo vệ pháp luật phải thực sự vào cuộc.


Nhiều đại biểu Quốc hội đã nói rất đúng, khi nhiều vụ án lớn ta chưa dồn sức vào và để kéo dài. Trong quá trình xét xử, nhiều tội tham nhũng xử nhẹ, khiến dư luận bức xúc. Rõ ràng tiến triển là có, khi đưa nhiều vụ tham nhũng ra công luận, nhưng xử lý ra sao, thời gian như thế nào, thì chưa đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn như vụ Dương Chí Dũng là vụ rất điển hình thì phải dốc sức, dốc tâm vào làm, làm cho ra nhẽ.


Nguyên nhân thứ hai là việc tố giác tội phạm tham nhũng. Chúng ta đã vinh danh 88 người có thành tích chống tham nhũng. Nhưng giờ chúng ta phải xem việc bảo vệ họ ra sao. Phải có một báo cáo để thấy rằng, thực trạng đó khiến cho người có thông tin về tham nhũng không dám tố giác.

Tôi nói ví dụ chị Nguyệt trong vụ bệnh viện Hoài Đức. Chị ấy dũng cảm như vậy, nhưng khi khen thưởng về thành tích chống tham nhũng thì rất là chiếu lệ và biểu dương sự dũng cảm đó thực sự chưa thuyết phục. Rồi phải xem lại những người trước đây có thành tích chống tham nhũng. Bây giờ cuộc sống họ ra sao để thấy rằng, chúng ta thực sự che chở, bảo vệ, để cho họ yên tâm chống tham nhũng. Trong khi đó, phần lớn kẻ phạm tội tham nhũng là có chức, có quyền. Và kẻ có chức có quyền một khi đã phạm tội, thì sẵn sàng phạm tội tiếp. Có thể dùng cả quyền lực của mình để trù dập, trả đũa những người tố giác tham nhũng.


Nguyên nhân thứ ba là công lao của báo chí. Tôi thấy trong báo cáo của Chính phủ nói chưa rõ và đậm nét. Những vụ tham nhũng phần lớn là do công luận phơi bày ra và phần lớn là công lao của các nhà báo đã dũng cảm, đưa tin, đưa bài với những chứng cứ đủ thuyết phục. Từ đó, các cơ quan điều tra, tư pháp, bảo vệ pháp luật mới vào cuộc. Đến lúc cần phải có công cụ pháp lý để bảo vệ cho các nhà báo dũng cảm, có dũng khí, mai phục, chấp nhận hi sinh để đưa vụ việc ra ánh sáng.

 

Thưa ông, liệu Quốc hội có dùng thẩm quyền giám sát tối cao để giám sát tham nhũng?


Chức năng giám sát tối cao thuộc về Quốc hội mà các cơ quan khác không có. Giám sát tối cao là giám sát các hoạt động chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước đó chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Điều đó không có nghĩa là Quốc hội “xắn tay” vào việc cụ thể. Quốc hội giao cho các cơ quan thực thi pháp luật triển khai công việc này; giám sát chính là giám sát việc tổ chức thực hiện đó. Quốc hội không đủ điều kiện, năng lực để mà xem xét điều tra vụ việc cụ thể.


Giám sát tối cao chính là giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan rường cột của bộ máy nhà nước, xem việc thực hiện chức năng của họ có đúng như quy định của pháp luật hay không. Chúng ta không nên kỳ vọng vào việc Quốc hội làm những vụ việc cụ thể. Đương nhiên với những vụ việc lớn mà dư luận quan tâm thì Quốc hội cũng nên tổ chức đoàn giám sát đặc biệt, thậm chí với vụ án tham nhũng đặc biệt có thể thành lập Ủy ban điều tra đặc biệt và hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Và cơ quan đó giúp Quốc hội minh bạch, rõ ràng những vấn đề mà dư luận bức xúc và đại biểu quan tâm.


Vậy ông đánh giá thế nào việc việc thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội?


Tôi cho rằng Nghị quyết 37 đúng lúc kịp thời và nhờ đó các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều động thái tích cực. Những chỉ tiêu Quốc hội đưa ra rõ ràng là sức ép với các cơ quan này. Như báo cáo của Chánh án TAND tối cao thể hiện rất rõ chỉ tiêu Quốc hội đưa ra và đã giảm số vụ án mà xét xử sai do thẩm phán. Đó là sức ép tích cực.


Tôi đánh giá cao việc Chánh án TAND tối cao rất cầu thị. Các vụ án còn thắc mắc gửi yêu cầu sang tòa đều nhận được câu trả lời. Tương tự như vậy với Bộ trưởng Bộ Công an, khi tôi chuyển đơn thư tố cáo đều trả lời nghiêm túc. Trong khi đó nhiều vị khác, chúng tôi gặp trực tiếp không trả lời.


Để chấp hành pháp luật nghiêm, theo tôi còn có trách nhiệm của người đứng đầu phải giải quyết các yêu cầu kiến nghị của đại biểu Quốc hội theo quy định của hiến pháp và luật. Vấn đề này hiện đang xem nhẹ. Tôi cho rằng người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật khi đọc đơn thấm đẫm nước mắt, những nỗi oan khiên của người dân sẽ nhận ra những dấu hiệu không bình thường và từ đó xắn tay chỉ đạo cấp dưới điều tra ra.


Tôi nghĩ phải có cơ chế nào đó để các vị đứng đầu cơ quan nhà nước thực sự vào cuộc, đọc những đơn oan khiên của dân để chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra cho đến nơi đến chốn.


Xuân Minh (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN