Mỹ-Iran công kích nhau trước đàm phán

Ngày 2/7, một ngày trước khi bước vào vòng đàm phán thứ 6 và có thể cũng là vòng đàm phán cuối cùng, Mỹ và Iran đã công kích và quy trách nhiệm, đòi phải có nhượng bộ lẫn nhau.

Trong bài viết đăng trên báo “Washington Post” ngày 1/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng thời gian đã sắp hết để các nhà lãnh đạo Iran đưa ra một sự lựa chọn theo hướng ký kết một hiệp định toàn diện về chương trình hạt nhân của nước này nhằm đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp cấm vận và cô lập về ngoại giao. Ông Kerry cho rằng vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa những gì Iran nói rằng họ muốn làm với những gì họ cần phải làm.

Ông Kerry cho rằng Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đề xuất một loạt biện pháp “hợp lý, dễ đạt tới và có thể kiểm chứng được” theo đó Iran sẽ không thể chế tạo vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân của nước này chỉ hạn chế ở mục đích hòa bình.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng từ nay đến hạn chót 20/7 vẫn có thể đạt tới một hiệp định với điều kiện “Iran phải thực lòng đáp ứng mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế” về chương trình hạt nhân của nước này.


Cùng ngày, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói rằng vài tuần còn lại là cơ hội lịch sử để Iran chứng tỏ với cộng đồng thế giới rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.

Đáp lại, trong bài viết đăng trên nhật báo “Le Monde” của Pháp ngày 2/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc một số nước trong P5+1 “có ảo giác” về chương trình hạt nhân của Tehran, do vậy muốn làm chệch hướng các nỗ lực đàm phán. Ông Zarif cảnh báo rằng những đòi hỏi quá đáng của một số nước trong Nhóm P5+1 có thể sẽ cản trở những tiến triển trong quá trình thương lượng về chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu với báo giới khi có mặt tại Viena (Áo), ông Zarif một mặt bày tỏ thái độ sẵn sàng cùng P5+1 đạt được thỏa thuận cuối cùng vào ngày 20/7 tới, mặt khác tuyên bố Iran sẽ không bao giờ “quỳ gối” trước sức ép của một số nước.


Còn Trưởng đoàn đàm phán của Iran Majid Takhte Ravanchi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn ISNA nói rằng Iran đã đặt ra “giới hạn đỏ” rõ ràng trong các cuộc đàm phán và một hiệp định có đạt được hay không lả tùy thuộc “phía bên kia có tôn trọng giới hạn đỏ này” hay không.

Israel nghi ngờ

Trước thềm đàm phán hạt nhân của Iran một ngày, báo "Haaretz" dẫn lời Bộ trưởng các vấn đề chiến lược và tình báo Israel Yuval Steinitz cho rằng khoảng cách giữa Iran và Nhóm P5+1 vẫn rất lớn và khó có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Tehran trước thời hạn chót 20/7 tới.

Phát biểu của ông Steinitz được đưa ra sau chuyến thăm Washington để thảo luận công tác phối hợp với Mỹ liên quan tới các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Thể hiện nhận định về việc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 không thể sớm đạt được, ông Steinitz nói: "Khoảng cách lớn đến mức tôi không thể thấy thỏa thuận với Iran hoàn tất vào trước 20/7. Đàm phán sẽ thất bại hoặc họ sẽ phải nhất trí kéo dài thêm vài tháng".

Đại diện của Iran và 6 cường quốc sẽ bắt đầu vòng đàm phán kéo dài 2 tuần. Phái đoàn Iran do Ngoại trưởng Javad Zarif đứng đầu, trong khi đại diện của Nhóm P5+1 sẽ là Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton. Nếu đàm phán đạt được bất kỳ đột phá nào trước ngày 20/7, ngoại trưởng 6 nước cũng sẽ tham gia đàm phán.


T.N (theo AFP)
Cái bắt tay tình thế giữa Mỹ và Iran
Cái bắt tay tình thế giữa Mỹ và Iran

Tổ chức vũ trang cực đoan Iraq có tên gọi "Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng Levant” (ISIL) đã thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng đe dọa Baghdad, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN