Mỹ trấn an vùng Vịnh về thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3/4 đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của 4 nước vùng Vịnh gồm Bahrain, Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), chia sẻ với họ những chi tiết của thỏa thuận khung vừa đạt được giữa các cường quốc thế giới với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran.

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ ông Obama đã “trao đổi với Quốc vương Bahrain Hamad al Khalifa, Quốc vương Kuwait Sabah al Sabah, Quốc vương Qatar Tamim al-Thani và Hoàng Thái tử UAE Mohammed al Nahyan”.

Ngoại trưởng các nước P5+1 và Iran tại vòng đàm phán ở Lausanne ngày 31/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong các cuộc điện đàm, ông Obama nhấn mạnh “không có thỏa thuận trước khi mọi vấn đề được nhất trí, và những tháng tới sẽ được tận dụng để hoàn tất các chi tiết về kỹ thuật cho một giải pháp toàn diện và lâu dài, đảm bảo chương trình hạt nhân của Iran phát triển hòa bình trên cơ sở có thể kiểm chứng được”. Tổng thống Mỹ cũng tái khẳng định cam kết lâu dài của Washington phối hợp với đối tác để xử lý những hoạt động gây “mất ổn định” của Iran trong khu vực.

Iran và nhóm P5+1 còn lâu mới đạt được thỏa thuận cuối cùng

Giới chuyên gia đánh giá Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một bước đột phá lớn bằng việc thông qua một thỏa thuận khung nhằm ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tiến tới hoàn tất thỏa thuận lịch sử này.

Chuyên gia phân tích thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) Ali Vaez nhận định: “Việc thông qua thỏa thuận này chưa phải là cuối cùng. Thỏa thuận đó rất mong manh bởi những lực lượng chống lại nó rất lớn. Còn rất nhiều vấn đề gai góc cần phải được giải quyết trong 3 tháng tới”.

Trong khi đó, chuyên gia của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) Kelsey Davenport nhận định: “Thỏa thuận này không nêu rõ thời gian biểu cụ thể để Iran đáp ứng cuộc điều tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Nó cũng không đề cập cụ thể tới việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt tương ứng với từng động thái hạt nhân của Iran”. Tuy nhiên, bà Davenport cũng nhấn mạnh không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của thỏa thuận đạt được hôm 2/4 này.

Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới sẽ mở ra một “trang mới” cho các quan hệ quốc tế của nước này và dẫn tới “sự tương tác mang tính xây dựng”.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Rouhani cũng khẳng định thỏa thuận cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc cả 2 bên thực hiện những cam kết của họ. Ông nói: “Nếu bên kia tuân thủ những cam kết của họ, chúng tôi cũng sẽ thực hiện những lời hứa của mình. Sự hợp tác mới với thế giới, cả trong lĩnh vực hạt nhân lẫn những lĩnh vực khác, sẽ mở ra một trang mới (cho Iran)”. Theo nhà lãnh đạo này, một số người cho rằng Iran hoặc phải đối đầu với thế giới hoặc phải nhượng bộ thế giới, tuy nhiên, ông đã kêu gọi đi theo một “con đường thứ 3”, đó là can dự với thế giới.

Tuyên bố trên được Tổng thống Iran đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tehran và Nhóm P5+1 nhất trí về một thỏa thuận khung, làm cơ sở cho việc đạt được một thỏa thuận toàn diện trước thời hạn chót 30/6 tới. Tối 2/4 tại Thụy Sĩ, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận sau 18 tháng đàm phán, theo đó Iran cam kết sẽ giảm 2/3 khả năng làm giàu urani và thu nhỏ 98% kho urani được làm giàu của nước này.


TN (Theo AFP, THX)
Thỏa thuận với Iran phải công nhận quyền tồn tại của Israel
Thỏa thuận với Iran phải công nhận quyền tồn tại của Israel

Thủ tướng Israel tuyên bố bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào với Iran đều phải công nhận quyền tồn tại của Nhà nước Do Thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN