Mỹ tăng cường an ninh khắp thế giới

Sau vụ Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi (Libi) và Đại sứ quán Mỹ ở Cairô (Ai Cập) bị tấn công khiến 4 công dân Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ ở Libi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng ra lệnh tăng cường an ninh tại các trụ sở ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới.


Người biểu tình Yêmen trèo qua cổng chính Đại sứ quán Mỹ tại Xana ngày 13/9/2012.

 

Tổng thống Obama ngày 13/9 đã gọi điện yêu cầu người đồng cấp Ápganixtan Hamid Karzai ngăn chặn không để làn sóng tấn công bạo lực từ Libi và Ai Cập lan sang quốc gia Trung Á này và đe dọa an toàn đối với lực lượng Mỹ.


Cùng ngày, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Mỹ đã triển khai hai tàu khu trục và một đơn vị gồm 50 lính thủy đánh bộ tới Libi nhằm tăng cường an ninh cho Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tripôli. Theo quan chức trên, “hai tàu khu trục sẽ tới gần Libi song chỉ như một biện pháp đề phòng”. Một nguồn tin giấu tên cho biết, đơn vị lính thủy trên thuộc Đơn vị an ninh chống khủng bố (FAST) chuyên phản ứng nhanh trước mọi đe dọa an ninh. Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little đã từ chối bình luận về lộ trình cụ thể của hai tàu khu trục trên, song cho biết các biện pháp đề phòng mà quân đội Mỹ áp dụng “không chỉ phù hợp với các tình huống nhất định” mà còn là “giải pháp thận trọng cần phải thực hiện”.


Mỹ cũng đã sơ tán toàn bộ nhân viên khỏi tòa lãnh sự ở Benghazi sang Đức, đồng thời cắt giảm nhân viên tại Đại sứ quán ở Tripôli. Tuy nhiên, Oasinhtơn cam kết sát cánh cùng Libi dù xảy ra sự việc đau buồn trên.


Ngày 13/9/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về vụ tấn công vào Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi, Libi ngày 11/9/2012 làm Đại sứ Hoa Kỳ và một số viên chức ngoại giao Hoa Kỳ thiệt mạng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi, Libi ngày 11/9/2012 làm Đại sứ Hoa Kỳ và một số viên chức ngoại giao Hoa Kỳ thiệt mạng. Chúng tôi xin gửi tới gia đình các nạn nhân lời chia buồn sâu sắc. Chúng tôi đề nghị chính quyền Libi thực thi các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Libi”.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Obama ngày 13/9 ra chỉ thị treo cờ rủ tại tất cả các tòa nhà chính phủ, các doanh trại quân đội và các địa điểm công cộng đến ngày 16/9 để tưởng niệm các nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng tại Libi. Hiện chưa rõ cá nhân hay tổ chức nào đứng đằng sau vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Libi. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang mở cuộc điều tra về vụ việc này.


Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối liên quan tới bộ phim có nội dung được cho là phỉ báng đạo Hồi do thành viên cộng đồng Thiên Chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất, tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ngày 13/9, khoảng 500 người đã tham gia biểu tình chống Mỹ tại thủ đô Têhêran của Iran. Theo truyền thông nhà nước Iran, cuộc biểu tình do Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo, nhóm có quan điểm cứng rắn trung thành với Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei phát động. Tại Yêmen, hàng trăm người biểu tình đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Xana, đốt phá một số xe mang biển ngoại giao và một số khu vực trong tòa nhà. Những người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ của văn phòng an ninh trước cửa đại sứ quán, sau đó xông vào cửa chính. Lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng và bắn cảnh cáo để ngăn chặn. Đã có có ít nhất 1 người biểu tình thiệt mạng và hàng chục người bị thương.


Cùng ngày, truyền hình nhà nước Ai Cập đã phát đi những hình ảnh cho thấy cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairô ngày 13/9. Bộ Y tế Ai Cập cho hay ít nhất 30 người, trong đó có 16 người biểu tình và 14 nhân viên an ninh, đã bị thương trong các vụ đụng độ xảy ra lác đác suốt đêm bên ngoài tòa đại sứ quán này. Tại Nigiêria, an ninh đã được thắt chặt quanh các đại sứ quán và khu ngoại giao đoàn trên cả nước. Ấn Độ, Bănglađét, Malaixia và Philíppin cũng đã triển khai thêm lực lượng an ninh bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại những nước này. Trong khi đó, Inđônêxia và Ápganixtan đã chặn trang chia sẻ video trực tuyến YouTube để ngăn người dân nước này xem đoạn phim trên.


TTG - Hồng Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN