Mỹ oanh tạc quân khủng bố IS ở Syria

Mỹ và đồng minh sáng sớm ngày 23/9 đã tiến hành các không kích đầu tiên nhằm vào lực lượng khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Cuộc không kích này là một bước ngoặt quan trọng, đồng thời mở ra một giai đoạn mới đầy rủi ro về quân sự trong cuộc chiến chống IS của Mỹ.


“Cú đấm vào mũi”


Khi trời còn chưa tỏ, lực lượng Mỹ và các đồng minh đã phóng hàng loạt tên lửa hành trình Tomahawk, bom điều khiển chính xác từ trên không và từ tàu Hải quân Mỹ vào sào huyệt của khủng bố IS ở thành phố Raqqa, Syria và dọc biên giới với Iraq. Tiếp đó, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái trang bị vũ khí Predator và Reaper của Mỹ đã bay cùng chiến đấu cơ của các đồng minh Arab, oanh tạc một loạt mục tiêu tại vùng lãnh thổ do IS kiểm soát. Quân đội Mỹ cho biết các mục tiêu gồm vị trí đặt vũ khí, kho đạn dược, doanh trại, các tòa nhà mà phiến quân IS dùng làm cơ sở chỉ huy, cùng trung tâm tài chính, xe tải chở hàng...

 

Máy bay chiến đấu F/A - 18C Hornet cất cánh từ tàu sân bay tham gia không kích các cơ sở của IS tại Syria ngày 23/9. Ảnh: AFP - TTXVN


Theo thư ký báo chí Lầu Năm góc John Kirby, quyết định không kích ở Syria được Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ đưa ra sau khi được sự đồng ý của Tổng thống Barack Obama. 14 cuộc không kích đã phá hủy và làm hư hỏng nhiều trang thiết bị của IS, tiêu diệt được 20 tên khủng bố.


Không kích IS của Mỹ ở Syria:

* Thành phần tham gia: Mỹ, Bahrain, Jordan, Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

*Địa điểm tấn công: Khu vực Raqqa, Dayr az Zawr, Al - Hasakah và Abu Kamal.

*Số tên lửa Mỹ sử dụng: 47 tên lửa Tomahawk tấn công mặt đất được phóng từ các chiến hạm USS Arleigh Burke và USS Philippine Sea.

*Loại máy bay Mỹ được huy động: Máy bay ném bom B - 1, máy bay cường kích F - 15E, tiêm kích F - 16, F - 22 của Không quân, các máy bay tiêm kích F/A - 18 và 2 loại máy bay không người lái của Hải quân.

Cuộc không kích IS ở Syria diễn ra 13 ngày sau khi ông Obama thông báo mở rộng chiến dịch quân sự chống IS ở Syria. Trước đó, Mỹ chỉ tiến hành ném bom IS ở Iraq và luôn tỏ ra chần chừ trong can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria. Máy bay do thám của Mỹ trước đó đã tới Syria để thu thập thông tin về các mục tiêu của IS.


Hiện tại, khoảng 2/3 trong số 30.000 tay súng IS đang hoạt động ở Syria. Ở đất nước này, có thể nói IS gần như ngang nhiên chiếm đóng và hoạt động trong các thành phố mà không bị cản trở đáng kể. Do đó, cuộc không kích của Mỹ và đồng minh được quan chức lực lượng Delta của Mỹ, ông James Reese, ví như “cú đấm vào mũi” của lực lượng IS.


Ngoài không kích IS ở Raqqa, Mỹ còn thực hiện các vụ không kích khác nhằm vào nhóm khủng bố Khorasan ở miền bắc Syria. Mục tiêu của cuộc không kích này nhằm chặn đứng các âm mưu tấn công tiềm tàng vào lợi ích Mỹ và phương Tây của nhóm Khorasan - thậm chí còn được đánh giá là đáng sợ hơn cả IS. Sau đợt không kích, 50 tay súng Khorasan đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, 8 dân thường, trong đó có 3 trẻ em, cũng thiệt mạng trong cuộc không kích ở thành phố Aleppo.


Trong một bài phát biểu lúc 21 giờ (giờ Việt Nam) về cuộc không kích ở Syria, Tổng thống Obama nói rằng cuộc không kích này cho thấy Mỹ không đơn độc và đây cũng không phải là cuộc chiến của riêng Mỹ.


Syria đã được báo trước


Vài tiếng sau khi Mỹ và đồng minh mở đợt tấn công IS ở Syria, hãng tin SANA của Syria dẫn lời Tổng thống Syria Bashar al - Assad cho biết nước này ủng hộ bất kỳ nỗ lực quốc tế nào chống lại chủ nghĩa khủng bố. Trước đó, Syria đã xác nhận Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power có thông báo trước cho đại diện của Syria về các cuộc không kích từ ngày 22/9. Ngoài ra, trước cuộc không kích vài giờ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gửi thư thông báo cho Ngoại trưởng Syria Walid al - Moallem về cuộc không kích thông qua Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al - Jaafari.


Kèm với lời thông báo ý định sẽ tấn công IS ở Syria, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ còn cảnh báo Syria không được can thiệp vào máy bay của Mỹ. Bà Psaki nói thêm: “Chúng tôi không xin phép chính phủ Syria. Chúng tôi không phối hợp hành động với chính phủ Syria. Chúng tôi không thông báo trước cho Syria ở cấp quân sự hay thông báo thời gian tấn công các mục tiêu”.


Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định các cuộc không kích IS tại Syria nói trên là bất hợp pháp và phải cần sự cho phép của chính phủ Syria.


Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/9 cũng tỏ ra lo ngại rằng các cuộc không kích mà Nga coi là đơn phương sẽ làm khu vực bất ổn. Bộ này nói: “Cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi cần nỗ lực phối hợp của cộng đồng toàn cầu được Liên hợp quốc ủng hộ”. Trước khi Mỹ không kích IS ở Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon qua điện đàm rằng tấn công khủng bố ở Syria không được thực hiện mà chưa được sự đồng ý của chính phủ nước này.


Về dư luận Mỹ, các nghị sĩ Cộng hòa và một số người hay chỉ trích ông Obama ở quốc hội đã ủng hộ động thái mới của Mỹ như Chủ tịch Ủy ban Quân dịch của Thượng viện, ông Carl Levin. Ông Levin còn hoan nghênh sự tham gia lịch sử của các nước Arab.


Nấc thang can dự mới


Theo các chuyên gia, với các cuộc không kích trên, Mỹ đã bước chân lên một nấc thang mới trong can dự vào tình hình Syria, mở ra một mặt trận mới ở khu vực Trung Đông và bắt đầu một thứ mà Mỹ không thể kết thúc. Kể từ ngày 23/9, ông Obama đã chính thức bước chân vào cuộc nội chiến Syria sau ba năm nhất quyết không can dự. Hậu quả có thể của cuộc can dự này không thể đo đếm trước được. Dàn vũ khí tối tân cho thấy can dự của Mỹ sâu sắc hơn so với ở Iraq.


Về mặt hiệu quả, nhiều người, trong đó có cả quan chức cấp cao Mỹ, cho rằng tiến hành không kích khó có thể mang lại hiệu quả lâu dài và chưa đủ để nhổ tận gốc IS. Mặc dù Mỹ đã có kế hoạch huấn luyện và vũ trang cho phe đối lập Syria nhưng phe này không đủ nguồn lực, sức mạnh để chiếm lại các lãnh thổ đã bị IS kiểm soát.


Hơn nữa, theo bà Natasha Underhill, chuyên gia về khủng bố ở Trung Đông thuộc Đại học Nottingham Trent, Mỹ đến giờ mới không kích IS ở Syria là đã quá muộn do IS đã có hơn 1 năm để vươn rộng khắp khu vực và khó tiêu diệt hơn nếu chỉ không kích.


Ngoài ra, mặc dù đến thời điểm này chính phủ Syria hoan nghênh động thái chống khủng bố của Mỹ và đồng minh do IS cũng là mối đe dọa với chính quyền Syria, nhưng về lâu dài, các cuộc không kích có thể khiến Mỹ vào thế đối đầu trực diện với lực lượng chính phủ Syria. Dư luận cũng lo ngại càng về sau, Mỹ càng không có đủ ý chí, khả năng, thông tin tình báo để theo đuổi các cuộc không kích ở Syria.


Thùy Dương

Nga: Không kích phải được sự đồng thuận của Syria
Nga: Không kích phải được sự đồng thuận của Syria

Nga khẳng định mọi cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) trong lãnh thổ Syria cần phải được sự đồng ý của Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN