Mỹ không tin Nga đã rút quân khỏi biên giới

Ngày 7/5, phản ứng trước tuyên bố của Nga đang rút quân khỏi biên giới với Ukraine, Mỹ nói rằng chưa có bằng chứng về việc cho thấy Moskva làm vậy, đồng thời cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về ly khai ở Ukraine phải được hủy bỏ chứ không chỉ tạm hoãn.

Trả lời báo giới, Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết "chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh việc rút quân (khỏi khu vực biên giới) có ý nghĩa và minh bạch... đến giờ, chưa hề có bằng chứng cho thấy việc rút quân như vậy được tiến hành".

Cùng ngày, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren nói rằng họ không thấy sự thay đổi nào của lực lượng Nga dọc biên giới Ukraine.

Người biểu tình canh gác tại một đường ray tàu hỏa ở Slavyansk, ngày 6/5. Ảnh: AFP


Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức thông báo kế hoạch loại Nga khỏi Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), một chương trình cho phép miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng nhất định.

Nhà Trắng nói rằng Nga hiện "đủ tiên tiến về kinh tế", không cần ưu đãi đặc biệt nữa và các hành động liên quan đến Ukraine càng cho thấy bước đi của Mỹ là phù hợp. Nga sẽ không còn tư cách tham gia chương trình này vào năm 2016 vì Ngân hàng Thế giới đã coi Moskva là một nước "có thu nhập cao".

Một khi kế hoạch trên được quốc hội thông qua, Mỹ sẽ ngừng cho phép miễn thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Nga như nguyên liệu chế tạo thép, lốp xe và đồ gốm.

Trong diễn biến liên quan, ngày 7/5, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Ed Fast tuyên bố ủng hộ quyết định hoãn kết nạp Nga của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với lý do Nga "đe dọa ổn định và an ninh của Trung và Đông Âu". Ông Fast cho biết Canada sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để duy trì sức ép kinh tế và chính trị đối với Nga.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Romania thông báo 6 máy bay tiêm kích CF-18 Hornet của Không quân Hoàng gia Canada sẽ tới Căn cứ Không quân 71 tại Campia Turzii, miền Trung Tây Romania trong chiều 7/5. Động thái này diễn ra trong bối cảnh NATO tăng cường nhiệm vụ tuần tra trên không tại các nước vùng Baltic như Ba Lan và Romania sau cuộc khủng hoảng bùng phát ở Ukraine.


T.N (theo Reuters/THX)
Quân đội Ukraine siết chặt Slavyansk
Quân đội Ukraine siết chặt Slavyansk

Lực lượng người biểu tình ở Slavyansk, một điểm nóng tại miền đông Ukraine, ngày càng chịu nhiều áp lực khi chính quyền Kiev cho quân tiến sâu hơn vào thành phố này và điều thêm binh sĩ siết chặt vòng vây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN