Mỹ, Đức đồng thuận về các vấn đề quốc tế

Những trục trặc trong quan hệ song phương Mỹ - Đức sau vụ Thủ tướng Đức bị tình báo Mỹ nghe lén điện thoại gần như đã bị lãng quên trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Đức trước dịp kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ, trong đó hai bên đồng thuận về mọi vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay.

Chào đón Ngoại trưởng Kerry tại thủ đô Berlin ngày 22/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hai nước đang có quan hệ đối tác chặt chẽ trong việc giải quyết các cuộc hủng hoảng, từ đại dịch Ebola cho tới khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo... Ngoài ra, Mỹ và Đức còn rất nhiều vấn đề quốc tế cần phải bàn bạc như chương trình hạt nhân của Iran, vấn đề Afghanistan.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong lời chào mừng ông Kerry được đăng lại trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Merkel nói: “Tất cả những vấn đề này chỉ có thể được khắc phục nếu chúng ta hành động cùng nhau, nếu chúng ta phối hợp chặt chẽ với các đối tác và bè bạn ở Mỹ”.

Trước đó, ông John Kerry đã gặp Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier để bàn về hai vấn đề quan trọng là cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho rằng thế giới đang có nguy cơ mất phương hướng và xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn còn dễ bùng nổ và có thể đe dọa sự ổn định chính trị của cả châu Âu. Ông Steinmeier khẳng định nhiệm vụ hiện nay là ngăn không để châu Âu bị chia rẽ một lần nữa. Hai ngoại trưởng Đức và Mỹ nhất trí nhấn mạnh các bên cần phải thực hiện các thỏa thuận hòa bình đã ký kết ở Minsk, Belarus nhằm giảm căng thẳng ở miền Đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/10 đã bác cáo buộc từ phía Estonia rằng máy bay trinh sát Nga đã bay sâu vào không phận Estonia khoảng 500 m trong thời gian 1 phút. Phía Nga cho biết, ngày 21/10, máy bay quân sự Nga thực hiện chuyến bay huấn luyện định kỳ trên bầu trời vùng biển trung lập thuộc biển Baltic, theo đúng các nguyên tắc quốc tế về sử dụng không phận.

Trong khi đó, ông John Kerry một mặt bày tỏ lo ngại về nguy cơ chia rẽ đông - tây và nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh do vấn đề Ukraine, mặt khác khẳng định Mỹ không muốn đối đầu với Nga. Mỹ muốn cùng Nga giải quyết các vấn đề quốc tế đồng thời quan tâm đến những lo lắng của phương Tây về vai trò của Nga ở Ukraine.

Cũng trong chuyến thăm Đức, Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa nhắc lại việc Nga sáp nhập Crimea của Ukraine là hành động vi phạm chủ quyền Ukraine, dẫn đến việc Nga bị phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt. Trước đây Mỹ từng đưa ra nhiều cáo buộc tương tự và luôn bị Nga bác bỏ.

Về khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, ông Kerry cho biết ông mong muốn điều này và cho rằng điều kiện là thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên ở miền Đông Ukraine phải được tôn trọng. Ngoài ra, ông hi vọng Ukraine sau này có thể làm cầu nối giữa Nga và châu Âu.

Trước đó, bản thân Ngoại trưởng Đức Steinmeier cũng đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xác định điều kiện về dỡ bỏ trừng phạt Nga. Vấn đề này được ông Steinmeier đưa ra trước Hội đồng Ngoại trưởng EU. Cho tới nay, EU chưa xác định được điều kiện để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trên, dù một số biện pháp có thể tự động hết hiệu lực.

Thùy Dương

Ngoại trưởng Đức muốn thảo luận bỏ trừng phạt Nga
Ngoại trưởng Đức muốn thảo luận bỏ trừng phạt Nga

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier muốn Liên minh châu Âu (EU) thảo luận các tiêu chí về thời điểm và điều kiện để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN