Mỹ chưa thể xác minh cáo buộc của phe đối lập Syria

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang khẩn trương điều tra cáo buộc của phe đối lập Syria nhưng vẫn chưa thể “xác định chắc chắn” liệu có đúng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở ngoại ô thủ đô Damascus, khiến hàng ngàn người thiệt mạng hay không.

Người Syria tại trại tị nạn Quru Gusik ở miền bắc Iraq ngày 22/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 22/8 cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ đạo tình báo Mỹ khẩn cấp thu thập thêm thông tin về cáo buộc của phe đối lập Syria rằng quân chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học. Ông Obama sẽ thảo luận với các trợ lý an ninh quốc gia cấp cao xem Washington sẽ phản ứng ra sao một khi có kết quả điều tra và Mỹ cũng muốn hợp tác với các đối tác, đồng minh trong điều tra cáo buộc này.


Trước đó, Tổng thống Obama từng tuyên bố rằng nếu dùng vũ khí hóa học, chính phủ Syria sẽ bị coi là vượt “giới hạn đỏ” và do đó Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột ở nước này. Tuy nhiên, đến nay Mỹ vẫn “án binh bất động” sau khi chính phủ và phe đối lập Syria cáo buộc lẫn nhau dùng vũ khí hóa học tấn công khu vực Khan al-Asal ngày 19/3.


Nga ngày 23/8 đã thúc giục chính quyền Syria hợp tác với các thanh sát viên Liên hợp quốc trong cuộc điều tra về cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8. Nga cũng kêu gọi phe đối lập Syria cho phép phái đoàn điều tra tiếp cận an toàn khu vực xảy ra vụ tấn công mà phe này cáo buộc.

Trước phản ứng mờ nhạt của chính quyền Tổng thống Obama, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng, việc chính phủ Mỹ không dùng vũ lực quân sự để đáp lại với các cáo buộc tấn công hóa học trước đó đã “bật đèn xanh” cho chính quyền Syria. Còn theo tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, lý do Mỹ chần chừ can thiệp quân sự vào Syria là do các nhóm đối lập ở Syria không cam kết ủng hộ Mỹ kể cả khi Washington giúp họ lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.


Về phản ứng của Mỹ, bà Erica Borghard, chuyên gia độc lập về chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định, đến thời điểm này, bằng chứng về lời cáo buộc của phe đối lập Syria rất mơ hồ và chưa rõ loại vũ khí hóa học nào đã được sử dụng. Nếu có một vụ tấn công lớn hơn, chết người hơn thì mới có thể buộc Tổng thống Obama hành động. Hơn nữa, bà Borghard cho rằng can thiệp vào Syria không dễ dàng giống như “một cuộc dạo chơi trong công viên”, bởi nó khác xa chiến dịch nhanh gọn năm 2011 mà NATO can thiệp vào Lybia để lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Ngoài ra, không giống Lybia vốn bị thế giới cô lập, Syria được nhiều đồng minh hậu thuẫn, gồm Nga, Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah. Đó cũng là một nhân tố khiến Mỹ ngần ngại nhúng tay vào Syria.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN