Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập vì tranh chấp với Việt Nam

Ngày 14/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại liên quan tới cuộc đối đầu căng thăng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại một khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, bà Rice lưu ý Trung Quốc "đang ngày càng bị cô lập và trở thành một chủ thể gây lo ngại". Theo bà, những nước mong muốn có quan hệ hữu nghị và xây dựng với Trung Quốc "đang ngày càng cảm thấy khó chịu và lảng tránh (Trung Quốc) bởi điều mà họ coi là các hành động khiêu khích và gây hấn của nước này".

Bà Rice nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng những hành động gây hấn và đe dọa, những bước đi gây ra những vụ việc trên thực địa mà làm phức tạp cho triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao là hoàn toàn không hữu ích".

Cố vấn an ninh Susan Rice.


Bà Rice hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp hiện nay thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng Trung Quốc "muốn được chào đón và thừa nhận là một cường quốc, không chỉ trong khu vực mà ở tầm cỡ toàn cầu".

Trước đó, hôm 13/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bày tỏ quan ngại về các hành động "khiêu khích" của Trung Quốc chống lại Việt Nam.

Báo Mỹ chỉ trích sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông

Nhật báo "Wall Street Journal" (Mỹ) ngày 14/5 đăng bài xã luận tựa đề "Sức mạnh không được kiểm soát của Trung Quốc trên biển" chỉ trích sự hiếu chiến của Trung Quốc đã tạo ra những bất ổn hiện nay tại Biển Đông, cho rằng "chủ nghĩa khôi phục lãnh thổ đã và đang trở thành một kỹ nghệ tăng trưởng toàn cầu".

Bài xã luận cho rằng Trung Quốc đã có thêm một bước đi nữa trong cuộc xâm chiếm có thủ đoạn trên Biển Đông. Tiếp sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam ngày 1/5, Philippines tuyên bố ngày 14/5 rằng Trung Quốc đang bí mật xây dựng cơ sở quân sự trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.

Manila nghi ngờ rằng cấu trúc xây dựng trên bãi đá Gạc Ma có thể trở thành đường băng đầu tiên của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo bài xã luận, cấu trúc này sẽ là đường băng xa đại lục nhất của Trung Quốc, một công cụ sức mạnh mới để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Bắc Kinh đối với 90% vùng biển rộng 1,35 triệu dặm vuông này.

Theo bài xã luận, đây không phải là sự "trỗi dậy hòa bình" mà Trung Quốc đã hứa hẹn với thế giới, song Bắc Kinh tới nay hầu như chưa phải đối mặt với hậu quả. Sự lên án của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Trung Quốc hành xử "khiêu khích" trên Biển Đông cũng không tạo ra khác biệt nào.


T.N(theo Kyodo)
Chuyên gia Bỉ: Quốc tế không ủng hộ Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông

Nhà báo Mass Mboup cho rằng việc Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông không nhận được sự ủng hộ của quốc tế, và Mỹ cùng Liên minh châu Âu đều đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN