Mỹ cân nhắc vũ trang cho phe nổi dậy Xyri

Thông qua dự luật cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy

Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Xyri giữa lúc người dân nước này vẫn phản đối can thiệp vào quốc gia Trung Đông này.


 

Đa số người dân Mỹ không muốn chính phủ can thiệp vào Xyri. Ảnh: Internet

 

Với số phiếu thuận áp đảo 15-3, ủy ban trên đã thông qua dự luật vũ trang cho các thành viên chủ trương ôn hòa "được xem xét một cách kỹ lưỡng" thuộc phe đối lập Xyri. Đây là lần đầu tiên các nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy tham gia cuộc chiến kéo dài suốt hai năm qua ở quốc gia Trung Đông này.


Tuy nhiên, vẫn chưa rõ đối tượng nào sẽ nhận được vũ khí nếu dự luật này được thông qua. Hiện các nghị sĩ cả hai đảng của Mỹ còn lo ngại về khả năng cung cấp vũ khí nhầm cho đối tượng, bao gồm cả các tay súng có liên hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda.


Thượng nghị sĩ Tom Udall thuộc đảng Dân chủ và là một trong ba người chống lại dự luật trên cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta biết rõ đối tượng nào cần được cung cấp vũ khí. Một sự thật là tình hình thay đổi từng ngày. Đôi khi các phe phái đối lập còn tấn công lẫn nhau”.


Hiện luật này còn phải được xem xét ở toàn bộ Thượng viện và cũng phải được thông qua ở Hạ viện trước khi trình lên Tổng thống Obama để ban hành. Do đó, số phận của dự luật này vẫn là một dấu hỏi do nhiều thành viên Hạ viện Mỹ không mấy nhiệt tình với việc Oasinhtơn can thiệp quân sự vào Xyri.

 

Dân Mỹ phản đối can thiệp vào Xyri


Kết quả một cuộc thăm dò trên mạng do hai hãng Reuter và Ipsos hợp tác công bố ngày 21/5 cho thấy hơn 60% số người dân Mỹ cho rằng chính quyền nước này không nên can thiệp vào Xyri, trong khi chỉ có 12% cho rằng nên can thiệp.


Hiện chính quyền của Tổng thống Obama vẫn lưỡng lự có nên trang bị vũ khí chính thức cho các phe đối lập ở Xyri hay không? Tổng thống Obama tuần trước cho biết đang tính đến cả lựa chọn ngoại giao và quân sự để buộc Tổng thống Assad từ chức, song tuyên bố này cũng đang vấp phải nhiều lời chỉ trích.


Các nhà phân tích cho rằng Oasinhtơn có thể lấy cớ bảo vệ nhân quyền để trang bị vũ khí cho các phe đối lập ở Xyri, như đã từng làm trong cuộc chiến ở Libi hay Kosovo. Ông Gregory Kobletz, chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông nhận định “triển vọng này là khả thi”. Tuy nhiên, ông Kobletz cũng cho rằng sẽ không dễ để làm được điều đó và giải thích rằng để thành công Mỹ cần phải tăng sự hiện diện của mình hơn nữa ở khu vực.


Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi ngày 21/5 cho biết phe đối lập và chính phủ Xyri đang chuẩn bị tham gia hội nghị hòa bình về tình hình Xyri, diễn ra tại Tây Ban Nha, do cộng đồng quốc tế bảo trợ. Ông Brahimi nêu rõ hội nghị này là một cơ hội lớn, hy vọng Xyri và các nước trong khu vực cùng các đối tác quốc tế sẽ hợp tác để hội nghị thành công.


Tuy nhiên, kết quả của hội nghị trên vẫn là một dấu hỏi do đại diện của phe đối lập Xyri đã đề nghị cộng đồng quốc tế phải đảm bảo rằng bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải có điều khoản yêu cầu Tổng thống Assad từ chức.

 

Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN