Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm: Thế giới lo ngại

Ngày 6/8 (giờ Việt Nam), hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor (S&P) lần đầu tiên trong lịch sử đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới của Mỹ từ "AAA" xuống "AA+" do nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng như nợ công cao ngất ngưởng, thâm hụt ngân sách khổng lồ, trong khi thị trường việc làm không cải thiện và tiến trình ra quyết sách lại không đủ mạnh.

Ra khỏi câu lạc bộ "AAA"

Đây là lần đầu tiên nền kinh tế Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm kể từ khi nước này được hãng đánh giá tín nhiệm Moody's xếp chỉ số tín nhiệm ở mức "AAA" năm 1917 và được S&P đánh giá ở cùng mức này năm 1941.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đã bị S&P hạ mức tín nhiệm.

Trên thang điểm của S&P, mức cao nhất "AAA" được dành cho các nước được cơ quan này đánh giá là đáng tin cậy nhất về khả năng thanh toán các trái phiếu mà họ phát hành. Với việc Mỹ bị đánh tụt xuống hạng AA+, câu lạc bộ các nước có hạng tín nhiệm "AAA" giờ chỉ còn lại Anh, Đức, Pháp và Canađa.

Trong thông báo của mình, S&P cho rằng "rủi ro chính trị" gắn liền với món nợ công khổng lồ của nước Mỹ (đã lên tới 14.300 tỷ USD) là lý do chính dẫn đến quyết định hạ hạng tín nhiệm của họ. S&P cũng cho rằng, kế hoạch nâng trần nợ công kết hợp cắt giảm thâm hụt ngân sách mà Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vừa nhất trí thông qua chưa giúp giải quyết cái gốc của vấn đề nợ công trong trung hạn. Trong khi đó, sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường Mỹ đang làm cho tiến trình đưa ra các quyết sách quan trọng đối với nền kinh tế trở nên rủi ro hơn. Cũng chính vì vậy, không chỉ dừng lại ở việc đánh tụt hạng tín nhiệm, S&P còn hạ mức triển vọng của Mỹ xuống "tiêu cực", có nghĩa là cơ quan này có khả năng tiếp tục hạ hạng tín nhiệm của Mỹ trong tương lai.

Tác động kinh tế

Phản ứng trước động thái trên của S&P, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố quyết định của S&P là "điều không hay chút nào", và Nhà Trắng đã lên tiếng phản đối quyết định này. Trong một thông báo được đưa ra gần như ngay lập tức sau quyết định của S&P, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các tính toán của S&P đã có sự sai sót khi chưa tính đến khoản 2.000 tỷ USD trong tính toán về dự thảo ngân sách Mỹ. Tuy nhiên, S&P vẫn bảo vệ quyết định của họ.

Giới chuyên gia cho rằng, việc S&P hạ hạng tín nhiệm của Mỹ sẽ khiến lãi suất trái phiếu của Mỹ tăng lên, kéo theo chi phí vay vốn để phục hồi nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008. Ngoài ra, hiện nay, có khoảng 40% trong tổng số trái phiếu Mỹ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các giao dịch trên thị trường tài chính. Bị đánh tụt hạng tín nhiệm, đồng nghĩa với việc tư cách thế chấp tài chính của trái phiếu Mỹ bị hoài nghi và suy yếu.

Với thị trường quốc tế, trái phiếu Mỹ từng được các nhà đầu tư coi là "bến đỗ" an toàn cuối cùng trong sóng gió tài chính, nhưng giờ đây vị thế quốc tế của nó đã bị lung lay. Một khi trái phiếu Mỹ mất đi vị thế của mình, đồng USD giảm giá mạnh, các nước nắm giữ lượng lớn trái phiếu Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga… sẽ bị tổn thất nặng nề.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã có sự sụt giảm mạnh mẽ. Lo lắng về sự yếu ớt của kinh tế toàn cầu đã khiến dòng tiền nhanh chóng bị rút ra khỏi thị trường. Việc S&P hạ hạng tín nhiệm của Mỹ lần này rõ ràng càng khiến niềm tin của các nhà đầu tư bị tổn thương.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hậu quả của việc S&P hạ hạng tín nhiệm của Mỹ rất khó dự đoán. Về lý thuyết, khi bị đánh tụt hạng tín nhiệm, lãi suất trái phiếu của một nước sẽ tăng cao. Tuy nhiên, trong trường hợp của Nhật Bản, từng hai lần bị hạ hạng tín nhiệm và hiện xếp ở mức AA, quốc gia này vẫn chỉ phải trả mức lãi suất thấp khi đi vay. Ngoài ra, tập đoàn Goldman Sachs cũng cho rằng do các thị trường đã đoán trước được việc Mỹ bị hạ hạng tín nhiệm nên ảnh hưởng của nó có lẽ sẽ không lớn.

Dư luận quốc tế lo ngại

Lo ngại trước tác động tiêu cực từ việc Mỹ bị S&P hạ hạng tín nhiệm, bên cạnh nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, ngày 7/8, các thứ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã tiến hành cuộc họp trực tuyến khẩn cấp để bàn về các vấn đề này.

Theo các nguồn tin của Italia, rạng sáng cùng ngày, các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã tiến hành một cuộc thảo luận qua điện thoại. Dự kiến, các nhà lãnh đạo nhóm G-7 sẽ họp khẩn cấp trong vài ngày tới để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Trước đó, vào tối 6/8, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã điện đàm trong 30 phút để thảo luận về việc Mỹ bị hạ hạng tín nhiệm cũng như cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu

Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cách điều hành kinh tế của giới chính trị Mỹ. Tân Hoa xã đã chỉ trích Mỹ là "nghiện vay nợ" và "đấu đá chính trị thiển cận". Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc có quyền yêu cầu Mỹ giải quyết cơ cấu nợ và phải bảo đảm cho các tài sản bằng đồng USD của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ đều lên tiếng bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này cho dù Mỹ bị hạ hạng tín nhiệm. Anh, Pháp, Nhật Bản, Ôxtrâylia và Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ nền kinh tế Mỹ và cảnh báo không nên có những phản ứng thái quá đối với vấn đề này.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn được S&P xếp hạng tín nhiệm cao nhất có thể gây ra “trận sóng thần” trên các thị trường hàng hóa và tài chính thế giới trong phiên đầu tuần 8/8. Cả thế giới đang nín thở theo dõi.

Quang Tuyến (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN