Mưa lũ, sạt lở gây nhiều thiệt hại

Mặc dù cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, nhưng cũng như cơn bão số 2, hoàn lưu của bão số 3 đã gây mưa lớn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.


Chín người chết, một người mất tích


Trong cuộc họp khẩn để đối phó với cơn bão số 3 chiều ngày 15/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhắc nhở các địa phương phải đặc biệt cảnh giác với hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì thực tế, cơn bão số 2 đã làm 32 người chết, nguyên nhân chủ yếu do sạt lở đất, lũ cuốn trôi ở khu vực này.

 

Lực lượng chức năng thu dọn cây xanh, cột điện bị gãy đổ tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) do bão số 3 gây ra. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN


Tuy nhiên, rạng sáng 17/9, tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn lại tiếp tục xảy ra sạt lở đất làm 7 người chết và 6 người bị thương. Cụ thể, vụ sạt lở đất tại lán ở của công nhân xây dựng tại bến xe Xuân Cường, xã Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng làm 6 người chết và 5 người bị thương. Vụ sạt lở đất thứ hai tại thôn Thâm Mò, xã Phá Xá, gây đổ tường nhà, làm 1 phụ nữ 31 tuổi bị thương, 1 cháu bé 5 tuổi tử vong.


Cũng trong ngày 17/9, tại huyện Bình Gia, cháu Nông Thị Bảo Xuyến, sinh năm 2005 trú tại thôn Nà Dài, xã Tân Văn, học sinh lớp 3 bị nước lũ cuốn trôi; nâng tổng số người chết trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 8 người và bị thương 6 người.


Tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, vào 7 giờ 30 phút ngày 17/9, chị Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1968 trú tại thành phố Thái Nguyên đi xe máy chở người nhà xuống huyện Phổ Yên, khi đi qua tràn Tân Ấp thuộc xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, xe máy tránh cành cây nên bị ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi. Người dân quanh khu vực đó đã cứu được một người, còn chị Nhung đã bị nước cuốn trôi mất tích.


Chiều 17/9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Nghệ An đã có 3 người thương vong, trong đó có một người chết và 2 người bị thương.


Tại huyện miền núi Kỳ Sơn có 2 vợ chồng đều thường trú tại bản Sơn Thành, xã Tà Cạ bị nạn là chị Cụt Thị Hạnh (SN 1965) bị chết và chồng là anh Kha Búa Thì (SN 1963) bị thương nặng. Nguyên do, vào khoảng 16 giờ ngày 16/9, trong lúc đi làm rẫy, gặp mưa to đột ngột, hai vợ chồng chạy vào trong cống nước để tránh trú, nhưng do mưa lớn, đất trên núi sạt lở tràn xuống cống thoát nước, hai vợ chồng không kịp thoát ra ngoài nên bị nước lũ cuốn trôi.


Tại thị xã Hoàng Mai, khi tàu đánh cá NA 9986 TS tránh trú bão bị đứt dây neo khiến anh Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1982, trú quán tại xã Quỳnh Lập) bị thương nặng khi đang trên tàu.


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ quét và sạt lở đất vẫn có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc. Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ ngày 17 đến ngày 19/9, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 6 m, ở hạ lưu từ 2 - 3 m.


 

Thiệt hại lớn về nông nghiệp


Hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn tại một số tỉnh ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, làm thiệt hại nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp. Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, không có thiệt hại về người nhưng làm thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng. Trong đó thành phố Móng Cái chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và hơn 5.000 ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập. 6 nhà cấp 4 bị đổ ở huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà. Toàn tỉnh có 145 nhà bị tốc mái và một cột ăng ten ở huyện Hải Hà bị đổ. Mưa bão cũng làm 52 đường dây trên địa bàn tỉnh bị sự cố, 15 thành phố, huyện, thị bị mất điện.


Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc phòng chống và ứng phó với bão số 3. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Ninh vẫn phải tiếp tục chuẩn bị các phương án phòng chống lũ và giúp người dân thiệt hại của bão số 3 khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
Tại tỉnh Hải Dương, mưa lớn đã làm gần 30% diện tích lúa bị nghiêng và đổ. Điều đáng lo là hầu hết diện tích lúa trên địa bàn đang trong thời kỳ trổ bông, có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ lúa mùa. Ông Bùi Đình Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết: “Mưa lớn đã gây ra mất điện trên diện rộng, một số trạm bơm chưa hoạt động được. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đang cùng chính quyền và người dân các địa phương khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra”.


Tại Hải Phòng, khoảng hơn 15.000 ha lúa bị ảnh hưởng, 340 ha cây ăn quả bị gãy đổ, 200 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Một số vị trí trên các tuyến đê Tả Hóa, Tả Thái Bình, Tả Văn Úc xói lở.


Hữu Vinh - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN