Mùa hè của học sinh vùng cao

Do điều kiện và địa bàn sinh sống, mùa hè đối với học sinh vùng cao có sự khác biệt lớn so với học sinh ở vùng trung tâm, thành phố. Sau khi kết thúc năm học, các em trở về nhà ở sâu trong các bản, trên núi cao. Nơi đó là mùa hè của các em.

Nghỉ hè tại gia đình

Thay cho việc lên kế hoạch tổ chức đi tham quan, nghỉ mát hay đi chơi đâu đó như các bạn học sinh ở thành phố, học sinh ở vùng cao Tây Bắc trở về nhà sau khi kết thúc năm học để làm những công việc giúp đỡ gia đình. Với các em, học kì quân đội hay hoạt động dã ngoại, trại hè là khá xa lạ.

Nghỉ hè học sinh vùng cao giúp gia đình những công việc thường nhật.


Trở về nhà, cả năm đi học, giờ là thời gian để các em giúp đỡ bố mẹ làm những công việc thường nhật, vừa sức. Có em đi chăn trâu, cắt cỏ giúp gia đình, có em lên nương rẫy cắt lúa, trồng ngô hay trồng sắn. Có em ở nhà phụ giúp nấu cơm, trông em nhỏ hoặc nuôi gà, chăn lợn…

Thào Seo Chú - học sinh ở bản Lùng Ác (Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Em đi trọ học cả năm, mùa hè thay cho nghỉ hè thì em giúp bố mẹ lên núi trồng ngô, trồng sắn. Tuy trong năm không phải làm nhưng vốn quen việc nên em làm rất thuần thục”.

Cũng giống như em Chú, các em học sinh ở vùng cao đều thuần thục việc nhà nông nên khi nghỉ hè, về nhà, các em sẵn sàng vác cuốc lên nương rẫy để giúp bố mẹ. Bởi với các em, ba tháng hè tuy ngắn nhưng một vựa ngô hay vựa thóc sẽ bán được lấy tiền trang trải cho năm học mới.

“Nhà có hai cháu học cấp 3 xa nhà nhưng hè đến chúng đều về giúp đỡ bố mẹ, khi nào nhà trường tổ chức học hè lại cho con xuống núi học”, bà Vàng Thị Chà (bản Tổng Kim, Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ. Bà Chà còn kể rằng, bọn trẻ trong bản Tổng Kim cứ nghỉ hè lại dẫn nhau về để giúp đỡ gia đình, đứa nào cũng chăm ngoan chứ không đòi đi chơi xa.

Ông Lý A Pao, Trưởng bản (bản Tổng Kim, Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) cho rằng: “Do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên các gia đình ở bản tôi thường đưa các cháu về nghỉ hè tại nhà và cho các cháu tham gia lao động giúp đỡ gia đình”.

Mặc dù không được tham quan hay nghỉ mát như các bạn học sinh ở thành phố nhưng học sinh vùng cao đã có một mùa hè thật ý nghĩa khi các em trở về nhà, tham gia lao động sản xuất cùng gia đình. Từ đó, các kỹ năng của các em sẽ được hình thành và rèn luyện từ chính gia đình của mình.

Thiếu nhiều sân chơi

Một thực tế cho thấy, trẻ em vùng cao trong thời gian hè thiếu khá nhiều sân chơi. Nguyên nhân là do nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn về sân bãi, cơ sở vật chất và kinh phí. Vì vậy, khi các em học sinh trở về bản để nghỉ hè thì sân chơi đối với các em thật xa lạ.

Nhiều nơi, do thiếu sân chơi, các em học sinh đã chọn cho mình những bãi cỏ rộng hay ruộng cạn để đá bóng, tìm những mỏm đất rộng nơi đầu bản để tham gia sinh hoạt Đoàn tại địa phương. Hoặc có những nơi, các em mượn ngay chính những lớp học nơi điểm trường để vui chơi sau giờ lao động.

Trẻ em ở xã vùng cao Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái) lại chọn những thửa ruộng bậc thang khô cạn sau vụ gặt để chơi đá bóng vào mỗi buổi chiều. Chỉ có ruộng mới có khu đất rộng để các em tụ tập đá bóng.

Còn môn thể thao bơi lội, trò chơi mà học sinh vùng cao khá thích thú vào mỗi buổi chiều hè thì không đâu khác là những con suối sâu, những đập nước hay ngòi đầm. Trên thực tế, các em khó có sự lựa chọn vì ngoài những con suối hay ngòi đầm thì hồ bơi đối với các em quả thực rất khó để có được.

Những em học sinh THCS ở xã Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) thường lựa chọn cho mình đập nước chảy qua đường vào xã để bơi lội và tắm vào mỗi buổi chiều. Với các em, được vẫy vùng thỏa thích trong đầm nước trong vắt là vui vẻ và hạnh phúc lắm rồi.

Ở xã vùng cao Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai), nơi sơn thẳm này, cứ chiều chiều, tốp học sinh đủ mọi lứa tuổi lại rủ nhau ra chiếc cầu treo ở trung tâm xã để tắm suối. Tuy con suối lúc nào cũng dồi dào nước nhưng việc đứng trên cầu treo nhảy xuống suối là khá nguy hiểm đối với các em.

Những hoạt động vui chơi của học sinh vùng cao trong hè chủ yếu là tự phát, chưa có tổ chức một cách quy củ. Vì vậy, ở nhiều nơi, việc các em phải đối mặt với những nguy hiểm không còn là chuyện hiếm.

Nghỉ hè là thời gian để các em học sinh được nghỉ ngơi và rèn những kĩ năng cần thiết ngoài nhà trường. Do ở những khu vực đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên các em học sinh vùng cao còn chịu nhiều thiệt thời khi kì nghỉ hè tới. Đó là điều mà giáo viên và phụ huynh học sinh ở vùng sâu, vùng xa luôn trăn trở và mong muốn ít nhiều sẽ đưa các em vào một mùa hè thật bổ ích.
Nguyễn Thế Lượng
Những mùa hè đã xa…
Những mùa hè đã xa…

Nhớ một thời “mòn đít quần” đằng đẵng trên băng ghế nhà trường. Mười hai năm học phổ thông. Một năm tròm trèm chín tháng. Và chín tháng nai lưng vật lộn cùng chữ, cùng số, cùng những kỉ luật, mệnh lệnh vần xoay trong cái “lò rèn người” đủ khiến mệt nhoài tuổi hoa niên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN