Mỗi quốc gia đều cần có những thương hiệu mạnh

Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và 3 lần liên tiếp đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia (THQG) một lần nữa khẳng định sức mạnh thương hiệu Vietcombank trong tâm trí khách hàng trong nước cũng như quốc tế. Nhân ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), phóng viên Báo Tin tức có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và quốc gia.

 

“Sự cống hiến của chúng tôi đã được ghi nhận”


´Thưa ông, việc được công nhận THQG có ý nghĩa như thế nào với Vietcombank?


Với định hướng trở thành một tập đoàn tài chính đa năng và hùng mạnh và có uy tín trong nước cũng như khu vực, Vietcombank luôn quan tâm đến việc phát triển thương hiệu. Việc được công nhận THQG một lần nữa cho thấy, Vietcombank đã được biết đến và được thừa nhận là một ngân hàng thương mại hàng đầu ở Việt Nam.


Tuy nhiên, trước đây, với cách làm thương hiệu đơn lẻ khiến DN cảm thấy khá đơn độc và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo dựng thương hiệu với đối tác nước nước ngoài. Bây giờ, khi nhà nước đã có chủ trương và có sự đồng hành thì DN cũng có thêm động lực, thêm niềm tin để có những định hướng phát triển thương hiệu lớn mạnh hơn.


Hiện nay, Vietcombank đã khẳng định được uy tín, chỗ đứng trong ngành tài chính ngân hàng. Từ sự khẳng định ấy, những năm qua, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng Vietcombank đã vượt qua để phát triển tốt. Điều đó cho thấy thương hiệu của chúng tôi được thị trường đánh giá và thừa nhận.

 

´Giai đoạn vừa qua, khi nền kinh tế đối mặt với khó khăn, ngay cả những DN đạt THQG cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vậy, Vietcombank đã vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua như thế nào?


5 năm qua, từ 2008 đến nay, từ khi Việt Nam có chương trình THQG cũng là lúc nền kinh tế thế giới và trong nước bước vào giai đoạn gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng trong 5 năm qua, thương hiệu Vietcombank đã được khẳng định trên thị trường. Trong khó khăn, Vietcombank vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tốt. 5 năm vừa qua, sự tăng trưởng của Vietcombank luôn đạt mức từ 15%/năm trở lên. Tổng tài sản tăng gấp đôi, từ con số 200 ngàn tỷ đồng lên trên 400 ngàn tỷ đồng. Huy động vốn cũng tăng mạnh, trong đó nguồn vốn huy động trong dân mỗi năm tăng trên 30%. Lượng khách hàng tăng từ 3 - 4 triệu khách hàng lên 7 triệu.


Thời gian qua, ngành tài chính ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp, người dân và giá trị giao dịch tại Vietcombank vẫn tăng trưởng rất khả quan. Điều đó nói lên lòng tin của xã hội đối với Vietcombank. Một thương hiệu tốt hay xấu sẽ thể hiện trong lúc thị trường khó khăn.


Vietcombank thời gian qua tạo được thương hiệu dựa trên hai giá trị cốt lõi. Một là xây dựng được niềm tin, uy tín với khách hàng. Hai là xây đựng được sự chuẩn mực trong hoạt động. Bên cạnh những yếu tố không thể thiếu là chuẩn mực và niềm tin, Vietcombank đã nỗ lực xây dựng sự khác biệt, đó là luôn luôn tạo cho khách hàng cơ hội về giá trị gia tăng. Ví dụ, thẻ ngân hàng với nhiều DN chỉ đơn thuần có giá trị vật chất là để rút tiền, chuyển khoản. Nhưng, Vietcombank phấn đấu gia tăng giá trị cho khách hàng bằng cách, nếu khách hàng sử dụng thẻ Vietcombank thì họ không chỉ được hưởng lợi từ những dịch vụ chính mà thẻ ngân hàng cung cấp đồng thời được thừa nhận là “đẳng cấp” của mình. Đó chính là điều chúng tôi đang vươn tới. Thương hiệu đứng được trên thị trường hay không là vì thương hiệu đó luôn tạo cho khách hàng một giá trị gia tăng tốt.

 

´Là một ngân hàng đã thu hút được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, ông có cho rằng, chương trình THQG sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến DN?


Đối với thị trường nước ngoài, khi nói đến Vietcombank là nói đến một ngân hàng được xếp hạng cao nhất Việt Nam. Vietcombank cũng được các tổ chức thế giới xếp hạng tốt. Tuy nhiên, nếu nói việc được công nhận THQG là một điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp hay các nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận mình thì chưa phải. Thời gian qua, Nhà nước đã có định hướng lớn cho việc phát triển THQG nhưng bản thân DN đã phải nỗ lực rất lớn để vươn lên, khẳng định giá trị của DN mình.


Theo tôi, để phát triển THQG một cách hiệu quả hơn, chúng ta phải có định hướng phát triển THQG chi tiết cho từng nhóm ngành, nên chọn những DN có đủ điều kiện để hỗ trợ thì từ đó mới có thể có sự phát triển tốt. Chương trình THQG nói chung và DN đạt THQG nói riêng phải làm sao để cho thị trường phải biết, phải hiểu và phải cảm nhận được mạnh mẽ hơn giá trị của THQG.


“Không thể vàng thau lẫn lộn”


´Có ý kiến cho rằng, việc có quá nhiều giải thưởng về thương hiệu khiến cho người tiêu dùng bị “nhiễu” khi đánh giá về giá trị thương hiệu. Vậy, chương trình THQG cần làm gì để giúp DN được công nhận đạt THQG được nhận diện tốt hơn?


Hiện nay, ngoài chương trình THQG còn có nhiều xây dựng và vinh danh thương hiệu, danh hiệu khác. Tuy nhiên, chương trình THQG cần được phát triển theo hướng là chương trình cái nòng cốt nhất. Nhưng để làm được như vậy, Nhà nước và cả DN phải tập trung tuyên truyền cho chương trình này. Trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế phát triển thì những thương hiệu mang tầm vóc quốc gia cũng không nhiều.


Ở nước ta cũng cần có sự phân biệt và hiểu cho đúng về thương hiệu mạnh, THQG. Hiện nay, người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vẫn cảm thấy khó phân biệt không biết đâu là thương hiệu mạnh, đâu là không mạnh, phải có những tiêu chuẩn nào thì được gọi là một thương hiệu mạnh, những cá nhân hay tổ chức xét công nhận các giải thưởng thương hiệu là ai, có đủ uy tín hay không, so sánh như thế nào giữa thương hiệu mạnh với thương hiệu quốc gia... Tôi nghĩ là cần làm rõ những vấn đề này chứ không thể để tình trạng vàng thau lẫn lộn được.

 

´Vietcombank kỳ vọng gì từ phía chương trình THQG trong việc xây dựng thương hiệu của Vietcombank nói riêng và xây dựng thương hiệu ngành ngân hàng nói chung?


Theo tôi, chương trình THQG phải tạo được sự khác biệt với các chương trình thương hiệu khác và bản thân mỗi DN THQG cũng phải tạo ra được sự khác biệt so với DN khác và cần phải được xã hội nhìn nhận khác với những DN khác. Để làm được như vậy, một mặt, bản thân mỗi DN phải làm sao để mình được xã hội thừa nhận và cảm thấy được những khác biệt. Chương trình THQG phải tăng cường giúp DN quảng bá hình ảnh, làm thương hiệu. Bên cạnh đó, cần phải cụ thể hóa hơn nữa những tiêu chuẩn của DN THQG theo từng ngành hàng. DN THQG phải là đại diện tiêu biểu nhất cho từng ngành hàng Ở Việt Nam có cả trăm ngâ1212n hàng, nhưng đối tác nước ngoài khi đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đã yêu cầu chọn Vietcombank là đối tác chứ không yêu cầu đơn vị khác. Đó chính là điều khác biệt mà Vietcomank đã khẳng định được một cách không hề đơn giản.


Để hỗ trợ DN tham gia chương trình THQG, cũng cần cụ thể hóa rằng khi DN đạt THQG thì sẽ được nhận lợi ích gì. Bản thân DN thời gian qua cũng chưa cảm nhận được nhiều lợi ích mà chương trình mang lại. Chương trình THQG có thể mang lại nhiều lợi ích cho DN nhưng việc biến lợi ích đó thành thành hiện thực thì chưa rõ nét.


Một doanh nghiệp muốn phát triển cần phải có thương hiệu mạnh. Một quốc gia cũng cần có những thương hiệu mạnh để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh.


Nguyễn Tiến Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN