Máy bay AirAsia nằm dưới đáy biển?

Giám đốc Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia ngày 29/12 cho biết chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không giá rẻ AirAsia có thể đã nằm dưới đáy biển. Trong khi đó, các nước đang nỗ lực tìm kiếm tung tích chiếc máy bay chở theo 162 con người và biến mất khỏi màn hình radar từ ngày 28/12 khi đang trên đường từ Indonesia tới Singapore.

Cuộc tìm kiếm đa quốc gia

Theo ông Bambang Soelistyo, dự đoán trên được đưa ra dựa trên đường bay và tọa độ cuối cùng trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar. Dù cho rằng máy bay có thể nằm dưới đáy biển nhưng lực lượng tìm kiếm Indonesia vẫn không biết chính xác vị trí và có thể cần các nước khác hỗ trợ tìm kiếm dưới đáy biển.

Giới chức không quân Indonesia thông báo khu vực tìm kiếm máy bay mất tích ngày 29/12. Ảnh: AFP/ TTXVN


Công tác tìm kiếm chuyến bay số hiệu QZ8501 đã được nối lại từ sáng ngày 29/12 sau khi phải tạm ngừng cả đêm do sóng lớn và trời nhiều mây. Tàu, máy bay và trực thăng của Indonesia đã được huy động rà soát một khu vực rất rộng. Điều kiện thời tiết trong ngày tìm kiếm thứ hai khá hơn khi trời quang mây. Khu vực tìm kiếm tập trung vào 5 điểm trải dài từ vùng biển Indonesia tới gần Singapore ở độ sâu 40 đến 50 mét, gồm Bangka, đảo Belitung, Singakep, eo Karimata và phía tây Tây Kalimantan.

10 người trong gia đình và họ hàng của cô Christianawati ở Indonesia đã may mắn không có mặt trên chuyến bay QZ8501 do không biết chuyến bay khởi hành sớm hơn dự kiến 2 tiếng. Họ định tới Singapore để nghỉ lễ nhưng không để ý kiểm tra thư và nghe điện thoại từ hãng AirAsia thông báo thay đổi giờ bay.

Căn cứ không quân tại Jakarta cho biết đã nhận được thông tin rằng máy bay của Australia đã phát hiện thấy một số vật thể khả nghi gần đảo Nangka, cách vị trí máy bay mất liên lạc 1.120 km. Trực thăng Indonesia cũng phát hiện hai vết dầu. Tuy nhiên, chưa chắc đó có phải là một phần của máy bay mất tích hay không.

Ngoài thông tin trên, các đội tìm kiếm vẫn chưa thấy dấu vết gì đáng kể của chiếc máy bay và nỗ lực tìm kiếm chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Khi thời tiết tốt, họ có thể huy động tối đa lực lượng tham gia. Do thiếu công nghệ nên Indonesia đã nhờ Anh, Mỹ và Pháp hỗ trợ công nghệ định vị dưới mặt nước bằng siêu âm để tìm kiếm dưới lòng biển.

Theo các nhà chức trách Indonesia, máy bay mất tích khi đang bay qua vùng biển Java giữa đảo Belitung và Borneo - một tuyến đường biển tấp nập và nước nông. Kiểm soát không lưu Indonesia trước đó đã cho phép phi công chuyến bay QZ8501 rẽ trái nhưng không cho phép nâng độ cao do có một máy bay khác đang ở tầm cao đó.

Ngoài lực lượng tìm kiếm Indonesia, một số nước khác cũng triển khai phương tiện tham gia như Singapore điều một máy bay C - 130, Malaysia điều 3 tàu và 3 máy bay. Máy bay tuần tra của Australia cũng sẽ tham gia tìm kiếm. Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ.

Rà soát lại tiêu chuẩn an toàn

Sau sự cố với chuyến bay QZ8501, chính phủ Indonesia sẽ kiểm tra lại tiêu chuẩn an toàn của mọi máy bay thuộc hãng AirAsia đang hoạt động ở Indonesia. Tại một cuộc họp báo ở sân bay Soekarno - Hatta, Bộ trưởng Giao thông Indonesia, ông Ignasius Jonan, nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra khai thác kỹ thuật tàu bay tại sân đỗ trước chuyến bay và cũng rà soát hoạt động của AirAsia tại Indonesia để đảm bảo với khách hàng rằng trong tương lai, mọi hoạt động sẽ tốt hơn”.

Indonesia đã rất quan tâm tới tiêu chuẩn an toàn hàng không vì nước này từng trải qua một loạt tai nạn hàng không cách đây nhiều năm, khiến nhiều hãng hàng không bị Liên minh châu Âu cấm năm 2007, trong đó có nhiều hãng hàng không giá rẻ. Hai năm sau đó, khi an toàn được nâng cao, lệnh cấm mới được dỡ bỏ.

Với dân số 238 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng đông, Indonesia là một thị trường tiềm năng cho ngành hàng không giá rẻ. Chính phủ nước này cũng ưu tiên xây dựng giao thông hàng không để kết nối hơn 17.500 hòn đảo của mình. Tuy nhiên, ngành hàng không Indonesia có tiêu chuẩn an toàn không cao và phải hoạt động trong một khu vực có thời tiết cực đoan.

Liên quan đến thời điểm máy bay biến mất khỏi màn hình radar, các phi công đang bình luận xung quanh dữ liệu radar mà Malaysia cung cấp, nói rằng máy bay di chuyển với tốc độ 353 knot (gần 654 km/h) quá chậm trong điều kiện thời tiết xấu. Chuyên gia hàng không Geoff Thomas ở Australia nhận định: “Ở độ cao đó mà di chuyển với tốc độ chậm như vậy là quá nguy hiểm. Không khí loãng, cánh sẽ không hỗ trợ máy bay ở tốc độ đó và máy bay sẽ bị chết máy”.

Thùy Dương

Ngày thứ hai tìm kiếm máy bay mất tích không khả quan
Ngày thứ hai tìm kiếm máy bay mất tích không khả quan

Trung tâm Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia (Basarnas) ngày 29/12 thông báo các lực lượng cứu hộ đã kết thúc ngày tìm kiếm thứ hai máy bay mất tích mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không Air Asia (Malaysia) mà chưa đạt kết quả khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN