Mạnh về biển, làm giàu từ biển: Thương hiệu biển phải gắn liền với thương hiệu quốc gia

Việc xây dựng chiến lược quốc gia về thương hiệu biển phải gắn kết được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, chiến lược phát triển ngành quan trọng và chiến lược phát triển vùng, nhất là vùng ven biển.

 

Những chiến lược trọng tâm


Thương hiệu biển phải gắn liền với thương hiệu quốc gia. Điều này chỉ có được thông qua các hoạt động để người tiêu dùng trên thế giới có thể cảm nhận được khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ gắn với quốc gia, gắn với các sản phẩn đi liền với biển.


Một góc công trình Cảng tàu khách Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang được thi công. Ảnh: Thế Lập - TTXVN


Khi muốn nâng cao thương hiệu biển, ngoài việc xây dựng thương hiệu hàng hóa và dịch vụ thì vấn đề xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác các tiềm năng của biển là một yêu cầu cấp thiết. Cơ sở hạ tầng tốt giúp cho việc cung cấp các dịch vụ gắn với biển như cầu cảng, vận tải, mặt khác nó tạo điều kiện để có góp phần xây dựng các thương hiệu các sản phẩm khai khai thác tiềm năng kinh tế của biển.


Xây dựng thương hiệu biển phải khai thác tiềm năng của biển, vùng ven biển, có chiến lược phát triển các ngành có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh như du lịch, cảng biển, dịch vụ hàng hải, khai thác tiềm năng dưới biển; đồng thời phải tính đến phát triển lâu dài thông qua khai thác tiềm năng dưới biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng biển quốc tế.


Xây dựng thương hiệu biển là trách nhiệm của doanh nghiệp, của mỗi vùng và của cả quốc gia. Mối liên kết giữa biển với đất liền, giữa khai thác tiềm năng của biển với tiềm năng của đất liền, gắn kết giữa kinh tế biển với an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đất nước đòi hỏi sự gắn kết cả về trách nhiệm và nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu biển Việt Nam.


Để xây dựng thương hiệu biển, khai thác tiềm năng của biển phải gắn giữa khai thác với bảo vệ môi trường biển, gắn giữa khai thác nguồn lợi với bảo vệ nguồn lợi lâu dài, nhất là trong lĩnh vực đánh bắt cá và khai thác các nguồn lợi hải sản.

 

Hướng tới chiến lược quốc gia về thương hiệu biển


Để xây dựng chiến lựơc quốc gia về thương hiệu biển cần tạo cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh tạo thương hiệu biển trên toàn thế giới. Cơ chế tài chính và hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa trong giai đoạn đầu hỗ trợ doanh nghiệp. Nhà nước cần có đầu tư đúng mức vào hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển, cùng với các doanh nghiệp đầu tư khai thác vùng lãnh hải, vùng xa bờ và vùng gắn với quản lý và bảo vệ lãnh thổ.


Huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển kinh tế biển, đảo, nhất là các công trình thuộc kết cấu hạ tầng lớn như cảng biển, đường giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp, khai thác khoáng sản…, của mọi hình thức sở hữu.


Tập trung đầu tư xây dựng các cảng biển hiện đại, quy mô lớn với cơ sở hạ tầng sau cảng đồng bộ làm nòng cốt cho các trung tâm kinh tế; phát triển nhanh, mạnh đội tàu biển Việt Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ tiếp vận và các loại hình dịch vụ tiên tiến tại các khu đầu mối vận tải thuộc cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Đẩy mạnh liên kết, liên doanh với nước ngoài trong việc thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản dưới đáy biển..., phối hợp điều tra cơ bản, thông tin dự báo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh vùng biển; ưu tiên vùng thềm lục địa, vùng cùng khai thác.


Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho công tác điều tra, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên - môi trường biển; sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dải ven. Phân cấp hợp lý quản lý nhà nước về biển giữa Trung ương và địa phương, thống nhất ranh giới quản lý biển giữa các địa phương ven biển.


Tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo; trước mắt, tập trung đầu tư các tuyến giao thông ven biển, mua tàu, trang thiết bị cho các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển và lực lượng điều tra tài nguyên môi trường biển; các công trình dân sinh kết hợp quốc phòng trên tuyến biển, đảo, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu, thuyền.



TS Nguyễn Hữu Từ -Phó Chánh văn phòng Trung ương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN