Mali - “Ápganixtan thứ hai”?

Sau 4 ngày oanh tạc, chiến dịch không kích của Pháp ở Mali vẫn chưa có nhiều tiến triển, thậm chí còn gặp khó khăn trước cuộc phản công của phiến quân Hồi giáo ở miền bắc. Lực lượng này tuyên bố sẽ biến Mali thành một “Ápganixtan thứ hai” đối với Pháp và nguy cơ về một cuộc chiến kéo dài đang hiển hiện.

 

Gia tăng hậu thuẫn

 

Phóng viên TTXVN tại LHQ cho biết, ngày 14/1, trong một cuộc họp kín khẩn cấp, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua quyết định chấp thuận chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali.


 

Binh sĩ Pháp tập luyện tại căn cứ không quân số 101 ở Bamacô ngày 14/1/2013 để chuẩn bị triển khai lực lượng ở miền bắc Mali. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố, Nga thừa nhận chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali là hợp pháp. Trung Quốc cũng không phản đối mà chỉ kêu gọi cần sớm thực thi nghị quyết 2085 của HĐBA LHQ - nhấn mạnh tới đối thoại chính trị và đàm phán - để khôi phục sự ổn định cho Mali.
Chính quyền Mỹ cũng dự tính hỗ trợ có giới hạn cho chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali, như chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ các máy bay do thám không người lái và máy bay tiếp liệu. Angiêri đã quyết định cho phép Pháp sử dụng toàn bộ không phận, đồng thời đóng cửa đường biên giới 2.000 km với Mali. Canađa cũng tuyên bố hỗ trợ Pháp một máy bay vận tải quân sự C-17.


Tổng thống Pháp Francois Hollande, trong chuyến thăm Abu Đabi ngày 15/1 nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia Arập vùng Vịnh, cho biết Pháp đã triển khai 750 quân ở Mali và sẽ tăng lên 2.500 quân, cả trên không và dưới mặt đất, trong những ngày tới.


Trong khi đó, phiến quân Hồi giáo Mali ngày 14/1 đã thực hiện chiến dịch phản công, chiếm thêm thị trấn Diabaly, cách thủ phủ hành chính Segou ở miền trung Mali 160 km, và cách thủ đô Bamacô 400 km về phía bắc. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian xác nhận việc thất thủ tại Diabaly và thừa nhận các lực lượng Pháp đang đối mặt với "tình thế khó khăn" ở miền tây, nơi phiến quân có vũ trang tốt.

 

Không dễ “đánh nhanh, thắng nhanh”


Các nhà phân tích quân sự cảnh báo, sứ mệnh được LHQ ủy thác tại Mali khó có thể thành công, và Pháp sẽ bị kéo vào một cuộc chiến kéo dài nếu không nhận được chi viện khẩn cấp của lực lượng thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), cũng như sự hỗ trợ về hậu cần, tài chính từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). NATO cho biết đến thời điểm này Pháp vẫn chưa lên tiếng đề nghị hỗ trợ.


Giáo sư Hussein Solomon thuộc Trường Đại học Quốc gia Tự do (Nam Phi) nhận định, hành động can thiệp của Pháp nằm ngoài dự tính, thời gian đầu sẽ là một chiến dịch hỗn tạp, và phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm mà tất cả các lực lượng hậu thuẫn có thể cùng phối hợp tác chiến. Ông Solomon nghi ngờ về triển vọng lực lượng ECOWAS, dù được huấn luyện và trang bị tương đối, có thể sớm triển khai một cách hiệu quả trong chiến dịch mặt đất dưới sự hỗ trợ không quân của Pháp.
Không chỉ vậy, giới chuyên gia cũng thừa nhận rằng đối phó với hàng ngàn chiến binh - cả phiến quân Tuareg, chiến binh Hồi giáo và Al-Qaeda - trên một sa mạc “không mến khách” và vùng chiến sự rừng núi là một thách thức quân sự vô cùng to lớn. Ông Reuben Brigety, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về châu Phi, thừa nhận rằng “dải đất rộng lớn đó là một vùng lãnh thổ vô cùng khó khăn, phải mất nhiều thời gian mới có thể chiếm lại và gìn giữ”. Ông Brigety nhận định “chiến dịch can thiệp tổng lực tại Mali sẽ vô cùng tốn kém và sẽ phải kéo dài nhiều tháng, chứ không phải chỉ vài tuần”.


Lê Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN