Luật tránh "vách đá tài khóa" của Mỹ: Chỉ là giải pháp tình thế?

Ngay trong những ngày đầu Năm mới 2013, nước Mỹ đã loại bỏ được nguy cơ va vào "vách đá tài khóa" có thể đẩy nền kinh tế số một thế giới rơi trở lại suy thoái. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3/1 đã ký ban hành "Luật Giảm thuế cho người Mỹ", sau khi văn kiện này đã được quốc hội Mỹ thông qua nhằm chấm dứt các cuộc tranh luận gay gắt giữa Nhà Trắng với các nghị sĩ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.


Luật mới đề xuất tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm. Trợ cấp thất nghiệp tiếp tục được thực hiện trong khi khoản cắt giảm chi tiêu công tự động 109 tỷ USD sẽ được gia hạn thêm hai tháng nữa. Luật cũng ngăn việc tăng thuế đối với cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD/năm và các hộ gia đình có thu nhập dưới 450.000 USD/năm, đồng thời bao gồm quy định về việc phải cân bằng giữa cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu ngân sách.


Nhà đầu tư Mỹ vui mừng với luật tránh "vách đá tài khóa", nhưng thị trường chứng khoán Mỹ đã không duy trì được đà đi lên.  Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Được đánh giá là đã giải tỏa được những mối lo trước mắt, nhưng liệu đạo luật trên có gạt bỏ được những "chướng ngại vật" trên con đường phía trước đối với nền kinh tế Mỹ?


Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, luật tránh "vách đá tài khóa" sẽ khiến ngân sách nước này thâm hụt thêm gần 4.000 tỷ USD khi tiếp tục áp mức thuế thấp đối với phần lớn người dân Mỹ. Việc tiếp tục chính sách thuế có từ thời Tổng thống George W.Bush đối với hầu hết các hộ gia đình Mỹ cũng khiến ngân sách thâm hụt thêm khoảng 3.600 tỷ USD trong thập kỷ tới.


Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 3/1 khẳng định rằng, đạo luật tránh "vách đá tài khóa" chưa đủ để giải quyết các vấn đề nợ và thâm hụt tài chính dài hạn của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa khu vực tài chính công trở lại lộ trình bền vững mà không ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi kinh tế mong manh.


Theo đánh giá của giới phân tích, đạo luật tránh "vách đá tài khóa" xem ra mới chỉ là một giải pháp tình thế, chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề của nền kinh tế Mỹ.


Đúng như nhận định của giới phân tích, nước Mỹ đã tránh được “vách đá tài khóa” nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề nên các thị trường thế giới phản ứng khá thận trọng. Sau một phiên đi lên, thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa phiên 3/1 lại giảm nhẹ: các chỉ số Dow Jones giảm 0,08%, S&P 500 giảm 0,10% và Nasdaq giảm 0,16%. Giữa phiên 3/1 ở châu Âu, các chỉ số FTSEurofirst 300 tăng nhẹ 0,24% và FTSE 100 tăng 0,20%; trong khi DAX giảm 0,30% và CAC 40 giảm 0,50%. Trước đó, các thị trường châu Á kết thúc phiên với những diễn biến trái chiều. Trên thị trường tiền tệ, đồng USD phiên 3/1 tăng giá 0,30% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt và tăng 0,20% so với đồng euro; song lại giảm 0,40% so với đồng yên. Tại thị trường Luân Đôn, giá dầu Brent giao tháng 2 giảm 0,65 USD, xuống 111,82 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ giao cùng kỳ giảm 0,51 USD, xuống 92,61 USD/thùng. Giá vàng ở Luân Đôn lúc giữa phiên 3/1 cũng giảm 0,30%, xuống 1.681 USD/ounce.

Các nhà kinh tế nhận định đạo luật tránh "vách đá tài khóa" sẽ gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế và những nỗ lực tạo việc làm của Mỹ, đồng nghĩa với việc tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm 2013 sẽ không tăng lên và số việc làm mới được tạo ra cũng chỉ ngang bằng năm 2012. Nhà kinh tế Gregory Daco ở IHS Global Insight cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 1,7% trong năm 2013, sau khi ước đạt 2% trong năm 2012. Trong khi đó, nhà kinh tế Mark Zandi ở Moody's Analytics dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2013 sẽ ở mức 2%, thấp hơn 1% so với mức có thể đạt được khi duy trì chính sách như trong năm 2012; số việc làm mới được tạo ra sẽ giảm 700.000 và tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5%. Thậm chí, nhà kinh tế Gregory Micheal ở BMO Capital Markets còn nhận định mức ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế sẽ là 1,4%.


Bên cạnh đó, giới quan sát và đầu tư lo ngại luật tránh "vách đá tài khóa" có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại về ngân sách trong những tháng tới tại Oasinhtơn do đạo luật chỉ lùi thời hạn của kế hoạch cắt giảm chi tiêu công thêm hai tháng kể từ ngày tự động có hiệu lực vào 1/1/2013. Điều này đồng nghĩa với việc hầu như chắc chắn sẽ còn có một "cuộc chiến" nữa giữa các chính trị gia vào cuối tháng 2 tới để giải quyết vấn đề này, khiến viễn cảnh kinh tế Mỹ càng thêm phần khó khăn.


Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN