Lộ trình cho cây biến đổi gen

Cây trồng biến đổi gen (BĐG) đang nổi lên như một giải pháp giúp tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam cần có lộ trình phù hợp trong việc đưa cây trồng BĐG vào trồng đại trà.


Triển vọng của cây BĐG


Mặc dù là nước nông nghiệp, nhưng hàng năm, nước ta vẫn phải chi khoảng 4 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có khô dầu đậu tương và ngô. Thực tế, hai loại cây này được trồng ở nước ta từ rất lâu nhưng năng suất không cao, giá thành cao hơn nhập khẩu.

Ngô BĐG đang được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam.


Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, cho rằng, khí hậu Việt Nam không phù hợp với cây đậu tương. Do vậy, hàng năm nước ta phải nhập tới 4 triệu tấn khô dầu đậu tương. Trong khi đó, diện tích trồng đậu tương ở Việt Nam lại đang có dấu hiệu giảm dần. Năm 2007, cả nước có gần 300.000 ha đậu tương, tới nay chỉ còn khoảng 200.000 ha. Theo ông Lịch, BĐG là một giải pháp giúp cho cây trồng chống chịu tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt, cho năng suất cao hơn. Nếu đưa cây trồng BĐG vào trồng đại trà, Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.


Thực tế, các nước xuất khẩu đậu tương, ngô sang Việt Nam như: Hoa Kỳ, Argentina, Brazil… đã đưa vào trồng các loại cây BĐG từ lâu. Theo Tổ chức Quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), diện tích canh tác cây trồng BĐG trên toàn cầu đã tăng từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên đến hơn 175 triệu ha (năm 2013). Đến nay, đã có trên 18 triệu nông dân ở 27 quốc gia trồng cây BĐG. Hoa Kỳ cũng đã đưa vào canh tác đại trà đối với giống ngô BĐG chịu hạn. Trong 18 năm qua, diện tích cây trồng BĐG trên toàn thế giới đã tăng hơn 100 lần và Hoa Kỳ tiếp tục là nước đứng đầu về diện tích canh tác với 70,2 triệu ha, chiếm 40% diện tích trồng cây BĐG trên toàn thế giới. Một số nước như: Indonesia, Panama và Bangladesh cũng đã phê duyệt trồng cây BĐG và sẽ tiến hành đưa vào canh tác trong năm 2014 này.


Tiếp cận thông minh


Tại Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, cây trồng BĐG là một giải pháp hợp lý giúp tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình đưa cây trồng BĐG vào trồng đại trà. Thực tế, từ năm 2009, một số mô hình khảo nghiệm ngô, đậu tương BĐG đã được triển khai. Bộ NN&PTNT đã khảo nghiệm hạn chế và diện rộng ở bốn vùng sinh thái một số giống ngô BĐG. Các giống ngô này, trước khi đưa vào Việt Nam đăng ký khảo nghiệm đã được trồng và sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Sau khi kết thúc khảo nghiệm, Bộ NN&PTNT đã đánh giá và công nhận kết quả khảo nghiệm của các giống ngô BĐG. Hiện nay các công ty đã gửi hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các giống ngô này


Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), trên cơ sở các mô hình đã khảo nghiệm từ năm 2009, trong năm 2014, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng những mô hình trình diễn ngô BĐG trên diện rộng theo hướng đảm bảo an toàn sinh học và môi trường.


Tuy nhiên, Giáo sư, viện sỹ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, mặc dù chúng ta đã hội nhập quốc tế nhưng đối với cây trồng BĐG, Việt Nam nên tiếp cận theo hướng thông minh, có lộ trình và với những điều kiện chặt chẽ. Theo GS Trần Đình Long, hiện nay năng suất ngô của Việt Nam thấp không phải do yếu tố giống mà chủ yếu vẫn là do tổ chức sản xuất và kỹ thuật canh tác. Do đó, khi tiếp cận ngô BĐG, chúng ta phải chọn giống ngô chịu hạn phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. “Thế giới chưa có nhiều giống ngô BĐG chịu hạn nên Việt Nam cũng chưa nên trồng loại cây trồng này trên diện rộng. Trước khi đưa vào trồng ngô hoặc đậu tương BĐG, chúng ta phải lựa chọn kỹ càng giống phù hợp với Việt Nam và tiến đến tự chủ, không lệ thuộc quá nhiều vào nguồn giống của nước ngoài”, GS Trần Đình Long nhận định.


Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam chưa tạo ra được cây trồng BĐG, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do vậy, chúng ta vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi và hoàn thiện hành lang pháp lý.


Trong thời gian chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ xem xét cho phép triển khai mô hình trồng thử các giống ngô này ở một số vùng trồng ngô trọng điểm với mục đích sớm ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao nhận thức, hiểu biết và chia sẻ thông tin với cộng đồng về cơ sở khoa học và hiệu quả của công nghệ.


Dự kiến, giống ngô này sẽ được trồng thử nghiệm trên 2 ha tại 6 tỉnh: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp. Nếu được Chính phủ cho phép, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai vào đầu tháng 4/2014. Sau khi giống ngô BĐG này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy an toàn sinh học, nông dân sẽ được phép trồng, sớm nhất vào năm 2015.

 

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN