Lỗ hổng thông quan

Vụ để lọt 600 bánh hêrôin (tổng cộng 230 kg) qua “luồng xanh” cửa khẩu hải quan sân bay Tân Sơn Nhất còn chưa kịp lắng, thì ngày 8/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố lại phát hiện 10 container hàng lậu được đưa trót lọt qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3.


Theo cơ quan chức năng, lô hàng nhập khẩu đăng ký là hàng bách hóa, nhưng ngành hải quan chỉ quyết định kiểm tra 5% lô hàng (thực tế chỉ 1,3% số hàng được bốc dỡ để kiểm tra), sau đó xác nhận là hàng nhập khẩu đúng như khai báo!!! Thật khó hiểu là tại sao số hàng lậu lớn như vậy mà qua mắt cơ quan hải quan một cách dễ dàng? Liệu cán bộ hải quan có thông đồng với doanh nghiệp để thông quan hàng lậu? Càng khó hiểu hơn, trong số 10 container hàng bị bắt giữ, tháo dỡ đến đâu là phát hiện hàng lậu, hàng giả, hàng cấm... đến đó.


Theo lý giải của Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3, đại ý, cán bộ hải quan đã làm đúng quy trình, lô hàng không có nghi vấn nên cho thông quan là đúng luật. Còn việc không phát hiện hàng gian, hàng giả, có thể do độ nhạy bén, nghiệp vụ của cán bộ hải quan chưa cao, nên nếu quy trách nhiệm thì cũng chỉ dừng lại ở vấn đề nghiệp vụ. Còn nếu thực hiện không đúng quy trình, kiểm tra thấy vi phạm mà vẫn cho thông quan, thì cán bộ trực tiếp kiểm tra sẽ bị xử lý kỷ luật...


Với cách lý giải như vậy, nhiều người có cảm giác rằng, 10 container chứ 100 container hàng lậu lọt lưới đi chăng nữa, thì cũng khó mà quy được trách nhiệm cho hải quan.


Còn nhớ, vào những ngày cuối năm 2013, Công an Hà Tĩnh phát hiện và bắt giữ một xe container chở gỗ trắc lậu giá trị hàng tỷ đồng được đưa từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Tuy nhiên, vụ việc cũng chỉ dừng ở sự nhận lỗi của hải quan là do chủ quan, kiểm tra sơ sài nên không phát hiện được vụ việc...


Từ các vụ hàng lậu lọt qua các cửa khẩu hải quan được phát hiện trong thời gian gần đây, đã cho thấy sự bất ổn của quy trình phân luồng “xanh”, “vàng”, “đỏ” trong thông quan hàng hóa. Theo Hải quan TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ “luồng xanh” gần đây chiếm tới 40% hàng nhập khẩu. Thực tế cho thấy, với quy định phân loại doanh nghiệp để phân luồng thông quan như hiện nay, rất dễ bị các doanh nghiệp làm ăn không chân chính lợi dụng; nhất là quy định doanh nghiệp chỉ cần qua cửa khẩu vài lần không vi phạm, không nợ thuế sẽ được xác định là doanh nghiệp “sạch” và được đưa vào “luồng xanh”, được miễn kiểm tra hàng hóa.

Bên cạnh đó, hải quan điện tử dù góp phần giảm bớt những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp, cũng đang dần bộc lộ nhiều hạn chế, sơ hở để cá nhân, tổ chức lợi dụng nhập hàng lậu trốn thuế, nhất là trong bối cảnh khâu “hậu kiểm” đang bị ngành chức năng buông lỏng.


Tại phiên họp lần thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, khi thảo luận về Luật Hải quan (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh rằng: "Hải quan là tai mắt ở biên giới, bất kỳ hàng lậu gì qua biên giới thì cán bộ hải quan cũng phải biết, đừng nói luồng xanh, luồng đỏ. Phải quy định rõ, hải quan phải biết rõ hàng lậu và phải chịu trách nhiệm, vì Nhà nước giao cho hải quan ngăn hàng lậu qua cửa khẩu".


Từ phát biểu của người đứng đầu cơ quan lập pháp, soi đến trách nhiệm của người được Nhà nước giao trọng trách “canh cửa”, dư luận đang chờ kết quả điều tra và cũng chờ thái độ xử lý sai phạm của ngành hải quan đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ để lọt 10 container hàng lậu qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN