Liên tiếp bệnh nhân nhập viện vì ăn tiết canh

Gần 20 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn đã phải nhập viện và điều trị trong 2 tháng qua tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho dịp Tết, lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ nhiều hơn và nhất là thói quen ăn tiết canh vào dịp Tết đã khiến cho bệnh liên cầu lợn trên người gia tăng.

Anh Lê Văn Nở (46 tuổi, ở xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) làm nghề mổ lợn đã nhiều năm là người hay ăn tiết canh. Sau khi ăn tiết canh tại bữa liên hoan cuối năm, đến chiều 30 Tết, bỗng nhiên anh thấy mệt. Sáng mùng 1 Tết, anh bắt đầu có biểu hiện sốt nóng liên tục, kèm theo có buồn nôn. Chỉ vài giờ sau, trên mặt đã bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ, đồng thời bị tiêu chảy, anh được BV tỉnh Thanh Hóa chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn. Khi được đưa đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ, bệnh nhân đã trong tình trạng lú lẫn, hoảng loạn, các ban xuất huyết xuất hiện khắp toàn thân, nhưng dày đặc ở hai chân, cánh tay và bụng, viêm màng não mủ. Đến nay, sau 10 ngày điều trị tích cực tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, sức khỏe anh Nở đã khá hơn, các nốt đen chảy dịch ban đầu nay đã khô dần lại. Tuy nhiên, tai trái của anh khả năng không thể phục hồi được do tổn thương tiền đình ốc tai.

Anh Nở với những nốt xuất huyết trên các chi, đặc trưng ở bệnh nhân liên cầu lợn.


Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho hay: “Vài năm gần đây, mỗi năm BV tiếp nhận khoảng 100 - 120 trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Trong đó, cứ 9 bệnh nhân nam thì mới chỉ có 1 bệnh nhân nữ”.


Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn thường bị nhiễm độc và nhiễm trùng huyết rất nhanh. Chỉ sau nửa ngày hoặc một vài ngày tiếp xúc với nguồn lây, bệnh nhân đã có những tiến triển bệnh như sốt rất cao, nôn mửa, đau bụng, sau đó chuyển sang xuất huyết ban trên da, mặt và lan dần ra cơ thể, tắc mạch máu gây hoại tử các chi, mê sảng vật vã, tiểu ít, suy thận. Từ lúc phát bệnh đến diễn biến nặng có thể chỉ trong 6 - 12 giờ. Đây cũng là một khó khăn cho việc điều trị. Trong vòng 6 giờ xảy ra sốc nhiễm khuẩn, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán, cấp cứu kịp thời, đưa ra khỏi tình trạng sốc thì sẽ khó cứu chữa, do các tổn hại tế bào, suy tạng.

Độc lực của chủng liên cầu lợn lưu hành ở Việt Nam là khá cao. Vì thế, tỉ lệ bệnh nhân nặng, bị sốc nhiễm khuẩn lên tới 10 - 15%. Thời gian điều trị trung bình của những bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường kéo dài 25 - 30 ngày. Trong 16 ca ghi nhận gần đây, có 4 ca bệnh nặng và 2 trường hợp quá nặng đã tử vong.


Những dịp cuối năm, việc liên hoan tổng kết nhiều hơn và nhu cầu thực phẩm tăng cao, nên việc giết mổ gia súc cũng nhiều hơn. Cùng với đó, người ăn tiết canh cũng nhiều hơn. Do đó, bệnh nhân bị liên cầu lợn cũng tăng đột biến trong dịp này. Phần lớn các ca bệnh đều liên quan đến ăn tiết canh, hoặc làm công việc tiếp xúc với thịt lợn như giết mổ, pha chế, mua bán. Những lò mổ thủ công vẫn là phổ biến, người mổ thường không mang các trang thiết bị bảo hộ, vì thế nguy cơ lây nhiễm liên cầu từ lợn sang người qua tiếp xúc, qua những vết xước xát ở trên móng tay, kẽ tay là rất cao.


Việc lây nhiễm bệnh qua giết mổ không an toàn, qua ăn tiết canh đã được cảnh báo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ra chỉ thị cấm chế biến và ăn tiết canh, nhưng đây vẫn là món ăn nhiều người ưa thích.


Bài và ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN