Kiến trúc xanh, sao lại xa lạ?- Bài cuối: Kiến trúc xanh không khó

Đó là nhận định của rất nhiều những người trong giới, mà có lẽ KTS Võ Trọng Nghĩa, người nổi tiếng với những công trình kiến trúc xanh (KTX), thì điều này càng rõ ràng hơn. Cụ thể, cần nắm rõ những tiêu chí về KTX mà Hội KTS Việt Nam đã đưa ra: KTX là công trình được xây dựng trên địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong công trình có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc.

 

Kiến trúc xanh không hề tốn kém và khó thực hiện.

“Nhiều người hiểu lầm KTX là sử dụng nhiều cây xanh. Có một số người cho rằng KTX là xu hướng dành cho người giàu, cho những nước giàu. Nhưng không phải. Những nước nghèo cũng có thể phát triển KTX, làm cho đời sống của chúng ta tốt hơn, hạn chế và chống lại sự hủy hoại môi trường. Không nên coi KTX là những gì quá xa vời, và cũng không nên đặt nó thành một tiêu chí riêng rẽ. Bởi thực tế, KTX phải hài hòa trong từng yếu tố của một tác phẩm, công trình kiến trúc", KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết.


KTS Charles Gallavardin (Giám đốc T3 Architeture Asia tại TP.HCM): KTX không làm tăng chi phí xây dựng Bước đầu tiên của người thiết kế là phải đề xuất được một thiết kế theo nguyên tắc sinh khí hậu, không làm tăng chi phí xây dựng, tiết kiệm năng lượng và tiền bạc. Người thiết kế và người xây dựng cần đề xuất đầu tư vào những công nghệ nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng. Nguyên tắc cơ bản của KTX là tối ưu hướng công trình, chống nắng, thông thoáng tự nhiên, chiếu sáng tự nhiên, sử dụng vật liệu tại chỗ (tới mức tối đa có thể), tăng sử dụng năng lượng tái sinh. Các vấn đề hình khối, phân bổ phòng, vị trí, kích thước cửa hay kết cấu che nắng đều là những yếu tố cơ bản cần được tích hợp vào các dự án, công trình.

Ví như với yếu tố bố cục và hướng của công trình. Đây là một trong những kỹ năng và kiến thức mà kiến trúc sư đã được học, nhưng lại rất hay bị bỏ qua khi thiết kế công trình thực. Theo đó, bố cục và hướng của công trình cần tránh được tối đa những yếu tố bất lợi trong khi vẫn tận dụng được nhiều nhất yếu tố tích cực của tự nhiên. “Đó gần như là bài học vỡ lòng về KTX. Chẳng hạn đối với các công trình trên địa bàn TP.HCM, kiến trúc sư cần thiết kế để làm sao công trình đón được hướng gió mát và tránh được tác động của ánh nắng mặt trời. Chỉ như vậy thôi là người sử dụng công trình đã có thể không cần nhiều đến máy lạnh hay đèn điện - những vật dụng sử dụng năng lượng điện. Hoặc, tránh tận dụng tối đa khoảng không để xây dựng mà nên dành nhiều diện tích cho việc tái tạo mảng xanh. Đó là những bước đơn giản để tiếp cận tiêu chuẩn KTX”, một KTS phân tích.


Theo đó, có một số tiêu chí mà KTS có thể hướng tới khi thiết kế công trình: Bố cục và hướng của công trình sao cho vừa đón gió vừa tránh ánh nắng mặt trời; mật độ xây dựng công trình vừa phải, dành nhiều diện tích cho mảng xanh và mặt nước; sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, nước; sử dụng năng lượng mặt trời làm nóng nước sử dụng; tiến tới dần dần sử dụng năng lượng mặt trời cho việc tạo ra điện năng sử dụng cho một phần thiết bị điện trong nhà.


Để tuyên truyền cho KTX, Hội KTSVN, Đài Truyền hình VTV3 đã phối hợp thực hiện chương trình “Không gian xanh”, phát sóng sáng chủ nhật hàng tuần, nhằm giới thiệu các công trình kiến trúc xanh, hòa hợp với thiên nhiên và thân thiện môi trường đã được xây dựng ở nước ta. Mỗi công trình được giới thiệu trong chương trình do chính tác giả - đa số là những KTS trẻ thiết kế, trực tiếp nói về tác phẩm của mình và Hoa hậu Ngọc Hân làm MC của chương trình. Mỗi lần “Không gian xanh” giới thiệu một công trình cụ thể. Một loạt nhà phố, nhà ở các loại… đã được chọn làm đối tượng mở đầu cho chương trình này.

Bên cạnh đó, theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, dù đã có công trình KTX nhưng người sử dụng không có ý thức thì tính chất sinh thái cũng trở nên vô nghĩa. “Việc đầu tiên có lẽ là cần trang bị lại kiến thức nhằm sử dụng công trình sao cho sinh thái nhất trước khi mơ đến những điều to tát khác về KTX. Những việc đơn giản và có lợi ích thiết thực như cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải trong nhà cho đúng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước, sử dụng nước đúng cách và tiết kiệm… là những điểm khởi đầu của “tư duy” về KTX. “Điều này hiện không dễ dàng bởi hiện nay xu hướng của cư dân đô thị và các chủ đầu tư luôn có những sự ưu tiên kinh tế khác trước khi hướng đến KTX, một phần cũng do ngộ nhận rằng việc hướng đến sinh thái sẽ là một sự đầu tư khá tốn kém, trong khi nó không hoàn toàn như vậy”, KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh.


Do vậy, nếu trong trường hợp các cơ quan chuyên môn và ban, ngành không có những cách thức khuyến khích, tuyên truyền và tưởng thưởng hữu hiệu cho những công trình hướng đến sự sinh thái thì có lẽ sẽ rất ít cư dân nhận ra được “chân lý” của sự cần thiết của KTX.


“Đã đến lúc phải đặt KTX trở thành một tiêu chí cực kỳ quan trọng của mỗi công trình kiến trúc. Bởi hướng đến sự sinh thái trong đô thị và kiến trúc là đích cần phải đến, vì một môi trường sống tốt đẹp và hoàn hảo cho chính chúng ta”, một KTS khẳng định.


P.V

Kiến trúc xanh, sao lại xa lạ? - Bài 1: Cha ông ta đã có Kiến trúc xanh
Kiến trúc xanh, sao lại xa lạ? - Bài 1: Cha ông ta đã có Kiến trúc xanh

Việc 140 công trình, tác phẩm tham dự và có những công trình, tác phẩm đạt giải thưởng của “Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012” nhưng vẫn chưa làm “hài lòng” Hội đồng chấm giải ở góc độ Kiến trúc xanh. Phải chăng Kiến trúc xanh là điều quá khó trong điều kiện của Việt Nam hiện nay?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN