Kiến trúc xanh, sao lại xa lạ? - Bài 1: Cha ông ta đã có Kiến trúc xanh

Việc 140 công trình, tác phẩm tham dự và có những công trình, tác phẩm đạt giải thưởng của “Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012” nhưng vẫn chưa làm “hài lòng” Hội đồng chấm giải ở góc độ Kiến trúc xanh. Phải chăng Kiến trúc xanh là điều quá khó trong điều kiện của Việt Nam hiện nay? Phải chăng Kiến trúc xanh còn chưa phù hợp với tư duy của người Việt? Điều này, xem ra hoàn toàn không đúng…


Bài 1: Cha ông ta đã có Kiến trúc xanh


Theo TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên (Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), Kiến trúc xanh (KTX) hoàn toàn không xa lạ với người Việt Nam. Nếu không muốn nói rằng thế hệ cha ông chúng ta đã biết tới KTX từ rất sớm.


Theo TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) là một mô hình cư trú sinh thái khá điển hình. Bố cục trong hầu hết các ngôi nhà ĐBBB là vườn trước (hoặc ao) - sân - nhà chính - vườn sau. Nhà chính và nhà ngang đều là nhà 1 tầng, bố trí vuông góc với nhau và cùng hướng ra sân. “Cách bố trí như vậy mang lại vi khí hậu tốt cho ngôi nhà và tiện lợi trong sinh hoạt. Cả nhà chính và nhà phụ đều đón nhiều gió mát, ánh nắng mặt trời và ngăn được gió lạnh”, KTS Nguyên phân tích.

Kiến trúc nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ là một hướng đi cho kiến trúc xanh.

KTS Nguyễn Hồng Hà (Gia Lai):

Nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là giải pháp KTX

Thực ra khái niệm KTX (green building) cũng rất gần với khái niệm kiến trúc sinh thái (ecological architecture) hay kiến trúc môi trường (environmental architecture), nói gọn là công trình kiến trúc được làm ra sao cho ít ảnh hưởng nhất đến môi trường và dựa vào môi trường, dựa vào thiên nhiên để hòa nhập với thiên nhiên một cách tối ưu. Thiên nhiên có ánh sáng, gió, nước, không khí, cây xanh… Tại sao ta không tận dụng và khai thác chúng một cách tối đa vào kiến trúc? Mức độ khai thác cái sẵn có của thiên nhiên này có thể đánh giá mức độ “xanh” của kiến trúc”.

Với điều kiện ở Tây Nguyên, rõ ràng việc xây dựng KTX có vẻ khả thi hơn những địa phương khác. Vấn đề khó chỉ còn là nhận thức của các chủ đầu tư, chủ nhà và nhất là các KTS. KTX mang đến cái lợi trực tiếp cho chủ nhân (tiết kiệm điện, sức khỏe tốt hơn, giảm chi phí y tế, giảm chi phí duy tu sửa chữa nhà, giảm chất thải, giảm ô nhiễm môi trường…). Chúng ta đang mong muốn tạo ra những ngôi nhà thụ động (passive house), sử dụng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên, thông thoáng và điều hòa hoàn toàn bằng khí hậu tự nhiên. Để tạo ra những ngôi nhà thụ động, chúng ta phải biết khai thác những “thế mạnh” và giảm thiểu những tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết bằng các giải pháp kiến trúc. Theo tôi, kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là giải pháp KTX.

Ngoài ra, toàn mặt đứng ngôi nhà là hệ thống cửa bức bàn, được thiết kế để có thể khép kín vào mùa lạnh, mở rộng hòa nhập hoàn toàn với môi trường vào mùa nóng… Hiên của căn nhà truyền thống cũng được bố trí hợp lý, là không gian đệm chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà, ngăn không cho mưa hắt và bức xạ chiếu trực tiếp, đồng thời là khoảng đệm về nhiệt độ và ánh sáng cho không gian bên trong nhà. Gắn với hiên nhà ở nông thôn ĐBBB là các tấm giại, giúp hạn chế hơi nóng hắt từ sân và điều hòa các luồng gió thổi vào nhà. Và đặc biệt, với các không gian còn lại bên trong nhà, thì trừ buồng của phụ nữ và vợ chồng mới cưới, còn các không gian khác đều được tổ chức theo hướng mở, rất linh hoạt, có khả năng tạo sự thông gió, hạn chế ẩm mốc.


Theo thời gian, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, kiến trúc truyền thống ở nông thôn đã mai một nhiều. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những kinh nghiệm dân gian nói trên vẫn là những bài học quý giá, là nền móng vững chắc cho việc phát triển KTX trong điều kiện Việt Nam hiện nay.


Một KTS nhận định: Phát triển KTX Việt Nam, bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến, rất cần quan tâm đến khía cạnh nhân văn, khai thác tối đa các lợi thế của địa phương. KTX Việt Nam cần hướng đến những công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu, kinh tế, xã hội của từng địa phương, tôn trọng nguyên tắc khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, sử dụng các kỹ thuật xây dựng phù hợp.


Cụ thể, cần hướng tới mô hình KTX hiện đại, quy hoạch và nhà ở vùng ĐBBB cần có những thay đổi về mặt nhận thức trong quản lý phát triển. Nông thôn mới cần được phát triển trên cơ sở kế thừa và khai thác những bài học của truyền thống kết hợp khai thác những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Ví dụ như cần kiểm soát về mật độ dân cư trong các làng, đưa ra các quy mô khuôn viên đất và mật độ xây dựng hợp lý để mỗi ngôi nhà ĐBBB trở thành một đơn vị cân bằng sinh thái riêng, góp phần vào hệ sinh thái chung của làng. “Nên khuyến khích phát triển trở lại mô hình vườn - ao - chuồng truyền thống.

KTX là hướng đi tất yếu của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, bởi nó đáp ứng được các giá trị của kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại, quá khứ và tương lai. Thực hành KTX cũng là thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người thiết kế đối với các thế hệ tương lai của Việt Nam và thế giới, nhằm gìn giữ một môi trường bền vững.

(Hội KTS Việt Nam)

Nông thôn nên phát triển hệ thống cây xanh theo nguyên tắc truyền thống (cụ thể là bụi tre quanh làng), đón gió mát, chặn gió lạnh, chống gió bão và tạo thêm nguồn nguyên liệu trong xây dựng và sản xuất. Với lợi thế về diện tích ở, nông thôn nên hạn chế xây dựng những ngôi nhà kiểu nhà ống như đô thị. Bên cạnh đó, nông thôn cũng cần khuyến khích khai thác và áp dụng các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…”, một KTS cho biết.


P.V

Bài cuối: Kiến trúc xanh không khó

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN