Kịch bản NATO can thiệp quân sự tại châu Á

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phạm vi thực thi quyền phòng vệ tập thể của NATO đã vượt qua biên giới châu Âu. Quy định của điều 5 trong Hiến chương của khối quân sự này về việc thực thi quyền phòng vệ tập thể đã trở thành căn cứ pháp luật để NATO tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ cầm đầu tại chiến trường Afghanistan ở Nam Á. Nếu Mỹ bị cuốn vào xung đột phát sinh từ việc Bình Nhưỡng trực tiếp tấn công quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc, Guam, từ tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật hoặc Mỹ - Anh bị cuốn vào xung đột phát sinh từ tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines, Malaysia và Trung Quốc, NATO khó có thể không tiến hành chi viện quân sự. Nhưng chi viện bằng cách nào?

Tàu chiến USS Chung - Hoon của Mỹ nhiều lần viếng thăm các nước bên bờ Biển Đông.

 

Theo tạp chí “Kanwa Defense Review” số tháng 8, trong ba tình huống nêu trên, khu vực Đông Á sẽ xảy ra xung đột trên biển, trên mặt đất với sự can dự của quân đội Mỹ và quân đội Anh. Căn cứ vào từng đối tượng tác chiến cụ thể, NATO sẽ vận dụng các phương thức can dự khác nhau. Nhưng trước tiên, NATO và Mỹ, Anh, Nhật Bản sẽ đảm bảo sự nhất trí về chính trị. Đây là vấn đề không cần phải nghi ngờ. Kế đó, NATO sẽ tích cực can dự, hỗ trợ Mỹ, Anh và Nhật Bản về mặt tình báo.


Thông qua nước thứ ba


Tình huống nhiều khả năng dẫn tới việc NATO can dự trực tiếp bằng hành động quân sự là liên quan tới vấn đề bán đảo Triều Tiên. Một khi chiến tranh bùng nổ, quân Mỹ tham chiến, điều đó có nghĩa mô hình can dự của NATO đối với Afghanistan sẽ được tái vận dụng ở CHDCND Triều Tiên. Trong thời gian chiến tranh, máy bay cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu của NATO có thể sẽ ra đòn tấn công trực tiếp đối với Triều Tiên từ tàu sân bay của một nước thành viên. Điểm này rất giống với hành động quân sự của NATO nhằm vào Lybia.


Hiện nay, giữa NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có hiệp định trao đổi vật tư lẫn nhau cũng như hiệp định cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau. Cho nên, không quân NATO sẽ gặp phải sự cản trở về pháp luật trong việc sử dụng căn cứ quân sự của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu Nhật Bản ký kết với NATO những hiệp ước nêu trên, điều đó có nghĩa quan hệ giữa Nhật Bản và NATO có tính chất cận đồng minh. Nhưng trong khi chưa thể sử dụng được căn cứ quân sự của Nhật Bản, hải quân và không quân NATO có thể sử dụng căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Bởi vì về mặt lý thuyết, quyền sử dụng các căn cứ này nằm trong tay Mỹ. Đương nhiên, muốn sử dụng, trước tiên, NATO cần phải thuyết phục để nhận được sự đồng ý của nước chủ nhà Nhật Bản.


Đối kháng trực tiếp


Tình huống thứ hai và thứ ba liên quan tới đối kháng trực tiếp giữa quân đội Mỹ, quân đội Mỹ - Anh và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). NATO cũng rất có khả năng thực thi quyền phòng vệ tập thể trong hai tình huống này thông qua việc huy động tàu chiến tới khu vực Viễn Đông. Ở giai đoạn đầu, NATO sẽ tiến hành trợ giúp Mỹ, Mỹ - Anh bằng máy bay cảnh báo sớm, yểm hộ đường không, vận tải trên biển, tiến hành chia sẻ thông tin tình báo... Tuy nhiên, việc NATO có can dự toàn diện hay không còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác như mức độ can dự của Mỹ, Anh và con số thương vong mà quân đội hai nước này phải gánh chịu.


Nói tóm lại, về tổng thể, sau Afghanistan và Lybia, NATO sẽ có thêm nhiều cơ hội để can dự vào xung đột quân sự ở các khu vực khác ngoài châu Âu, đặc biệt là về khía cạnh chi viện tác chiến không - biển. Ở châu Á, hiện nay tồn tại ba điểm nóng tiềm tàng là vấn đề bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật và tranh chấp Biển Đông. Các điểm nóng này có thể trở thành cơ hội để NATO can dự vào xung đột vũ trang tại châu Á.


Lê Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN