Không được mập mờ về chất lượng sữa

Đó là thông tin nổi bật trong các hội thảo chuyên đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, diễn ra lần lượt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình và Cà Mau trong tháng 3/2013. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm "Ngày Quyền Người tiêu dùng thế giới năm 2013", với chủ đề “Quyền được thông tin của người tiêu dùng”, do Bộ Công Thương và Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH - với thương hiệu sữa TH true MILK, phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm tuyên truyền về quyền được thông tin của người tiêu dùng cho các doanh nghiệp nắm rõ, từ đó giúp doanh nghiệp nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng, các hoạt động tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam.


 

Phát động chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới”.

 

Theo các đại biểu tham dự các hội thảo, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm lưu thông trên thị trường, đặc biệt các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng như mũ bảo hiểm, sữa… đã có những thông tin không chính xác, không trung thực. Nhiều vụ việc đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Trong đó, đặc biệt nổi lên vấn đề về chất lượng sữa. Đại diện Ban tổ chức (BTC), ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH, chỉ rõ: “Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa và người tiêu dùng tiếp nhận được rất nhiều thông tin khác nhau, gây khó khăn cho việc phân biệt các loại sữa. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng không phân biệt được sữa nước làm từ nguyên liệu sữa bột với sữa tươi nguyên chất mặc dù hai loại sữa này có giá cả và chất lượng nguyên liệu đầu vào hoàn toàn khác nhau”.


Nguyên nhân khiến người tiêu dùng không phân biệt được hai loại sữa trên, theo ông Ngô Minh Hải, là do chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng các quy chuẩn quốc gia cũng như sự định nghĩa rõ ràng về các loại sữa tới người tiêu dùng. Sữa nước làm từ nguyên liệu sữa bột được TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam) 7029:2002 xác định là "sữa hoàn nguyên". Tuy nhiên, Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng số 30/2010/TT-BYT lại không đề cập đến "sữa hoàn nguyên" mà chỉ có khái niệm chung về các loại sữa tiệt trùng không phân biệt sữa làm từ nguyên liệu sữa bột hay từ sữa tươi. Đại diện BTC kiến nghị, những thông tin này phải được công bố chi tiết và bắt buộc trên nhãn mác bao bì của sản phẩm sữa nước để người tiêu dùng nắm được.


Để tránh sự hiểu lầm cho người tiêu dùng về xuất xứ nguồn nguyên liệu của "sữa hoàn nguyên", "sữa tươi" cũng như giảm thiểu những rủi ro có liên quan đến sức khỏe do sử dụng các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy định cụ thể về quy cách đặt tên sản phẩm thế nào là "sữa tươi", "sữa hoàn nguyên". "Các cơ quan chức năng cần ban hành và định nghĩa rõ ràng các tiêu chí về dòng sữa nước. Hiện tại, ở thị trường Việt Nam, các dòng sữa bột nhập ngoại đã ghi đầy đủ các tiêu chuẩn như xuất xứ nguyên liệu đầu vào, vì vậy dòng sữa nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (72% thị trường nhập bột để làm sữa hoàn nguyên) cũng cần phải ghi rõ các tiêu chí này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp", một đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh.


Được biết, trong khuôn khổ "Ngày Quyền Người tiêu dùng thế giới năm 2013", Hội chợ triển lãm nhận biết hàng thật - hàng giả cũng đã được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh từ 14 - 17/3. Bên cạnh đó, chương trình cũng triển khai treo 1.800 phướn và băng rôn trên những tuyến phố chính của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, để đông đảo người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình.


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN