Khơi dậy nét thanh lịch người Tràng An

Khi Hà Nội coi văn hóa là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, các cấp ngành thành phố cũng như nhiều người dân đã ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa ứng xử của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.


Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) say sưa với giờ học “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Ảnh: Dương Hội

 

Người Hà Nội xưa vốn được đánh giá hào hoa, thanh lịch, coi trọng những giá trị truyền thống, góp phần tạo nên những nét đặc trưng của văn hóa đất Kinh kỳ. Qua sự thay đổi của thời gian, nhiều giá trị nhân văn bị phai mờ, văn hóa ứng xử đang biến đổi theo chiều hướng không tích cực.


Nếp xưa khơi lại


Trong gia đình bác Thái Nguyên Bền, 21 Hàng Giấy, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, việc giữ gìn gia phong, cách đối nhân xử thế luôn được coi trọng. Bác Bền giáo dục con cháu phấn đấu học hành, sống kính trên nhường dưới, giao tiếp ứng xử với người trong gia đình hay ngoài xã hội cần có chuẩn mực. Quan niệm của bác: “Đã là người Hà Nội cần phải ứng xử cho thật văn minh, thanh lịch”. Gia đình bác Thái Nguyên Bền luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa, con cháu trưởng thành, có địa vị trong xã hội.


Không chỉ gia đình bác Bền, nhiều người dân phố cổ Hà Nội cũng ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa đó.


Những năm qua, quận Hoàn Kiếm xây dựng đề án Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ nhằm khơi dậy, cốt cách, “cái hồn” của phố cổ Hà Nội với nét văn hóa ứng xử thanh lịch đặc trưng trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân 36 phố phường. Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân phố cổ Hà Nội, tạo chuyển biến cả ý thức đến hành động trong đời sống thường ngày.


Việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh cho lớp trẻ Hà Nội, đặc biệt là lứa tuổi học sinh được thành phố Hà Nội quan tâm. Tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy), học sinh được học về giao tiếp ứng xử thanh lịch theo bộ tài liệu Nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô Hà Nội do Sở Giáo dục Đào tạo biên soạn. Chương trình dạy nếp sống thanh lịch, văn minh tại trường được triển khai đồng bộ từ lớp 6 đến lớp 9. Sau mỗi tiết học, các giáo viên trao đổi cởi mở, rút kinh nghiệm, nhằm tìm cách giúp học sinh hào hứng tham gia vào các tiết học. Sau nhiều năm triển khai, chương trình này đã có tác động tích cực. Thầy Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu phó Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh đã góp phần tích cực hình thành nhân cách cho các em, từ giao tiếp ứng xử, thực hiện nội quy quy định nhà trường, đến nếp sống thường ngày như nếp ăn ở, mặc, tóc.


Trường THCS Lê Quý Đôn cũng đã xây dựng quy chế ứng xử của cán bộ, giáo viên trong nhà trường, trong đó có ứng xử văn hóa giữa giáo viên với nhau, giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh. Nhìn chung, tất cả các cán bộ giáo viên đều thực hiện tốt quy định của nhà trường, góp phần xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch.


Chính vì chú trọng xây dựng nhân cách học sinh và giáo viên thông qua phong trào xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh nên trong dạy và học, trường THCS Lê Quý Đôn luôn đạt những kết quả đáng khích lệ. Trên 99% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, trên 60% đạt học lực loại giỏi, trên 30% học lực khá. Điều này cũng góp phần giúp cho kết quả học tập của học sinh tốt hơn. Tại các cuộc thi văn hóa cấp quận, thành phố, quốc gia và khu vực, học sinh trường Lê Quý Đôn luôn đoạt giải cao, trong đó có học sinh đạt giải bạch kim môn Toán ở Singapore, đoạt giải tại cuộc thi Toán châu Á - Thái Bình Dương.


“Cẩm nang” nền tảng văn hóa


Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội triển khai các chương trình, phong trào xây dựng văn hóa người Hà Nội; trong đó có nghị quyết của Đảng bộ thành phố về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hiện nay, thành phố đang xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư áp dụng cho 6 nhóm khách thể. Đề án này được thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện nhằm xây dựng những quy định cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại cơ bản, thiết thực vừa đảm bảo được quyền của mỗi công dân, nhưng cũng làm rõ được nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội.


Hiện nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội (đơn vị thực hiện xây dựng đề án) cùng với đơn vị tư vấn đưa ra dự thảo tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử lên một số phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự kiến tháng 6/2014 sẽ trình UBND thành phố phê duyệt, sau đó từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư triển khai vận động các đối tượng thuộc nhóm mình thực hiện.


Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH TT&DL Hà Nội cho biết: “Thành phố sẽ quy định trước hết cán bộ, đảng viên trên địa bàn Thủ đô phải có trách nhiệm gương mẫu thực hiện. Đồng thời với đó là xây dựng chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Trong quá trình áp dụng thực hiện, sẽ điều chỉnh những vấn đề nảy sinh, không phù hợp”.


Hệ thống quy tắc ứng xử ra đời sẽ là cẩm nang hướng dẫn nền tảng văn hóa người Hà Nội hiện nay, góp phần xây dựng một Hà Nội đẹp hơn, nhân văn hơn.


Đinh Thị Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN