Khó trong thực tiễn thi hành

Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình - ảnh), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc giải quyết “hậu quả” từ các cuộc tình đồng giới.

 

´Xin cho biết đánh giá của ông về quy định liên quan đến hôn nhân đồng giới trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi)?


Tôi ủng hộ dự thảo bỏ quy định cũ có cấm hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên dự thảo luật chưa thừa nhận đăng ký một cách hợp pháp. Trong trường hợp 2 người đồng giới chung sống với nhau phát sinh những vấn đề về con nuôi, tài sản thì trong luật cũng có quy định để xử lý và không hoàn toàn bỏ ra ngoài. Pháp luật không thừa nhận nhưng cũng có điều chỉnh ở phạm vi, mức độ nhất định để đảm bảo quyền lợi các bên.

 

´Thưa ông, luật không cấm nhưng cũng không thừa nhận như vậy thì khi triển khai trong thực tiễn có khó khăn?


Đúng là quy định như vậy thì đưa vào thực tiễn sẽ có khó khăn nhưng sẽ điều chỉnh bằng văn bản cụ thể của Chính phủ. Hai người đồng giới có con nuôi thì sẽ điều chỉnh theo Luật Nuôi con nuôi. Hoặc về vấn đề tài sản không theo quan hệ vợ chồng thì không điều chỉnh theo Luật Hôn nhân và Gia đình mà chỉ giải quyết tài sản riêng từng người, trách nhiệm tài sản với người thứ ba. Tất nhiên khi xử lý những trường hợp này sẽ không hoàn hảo như trường hợp có đăng ký kết hôn. Đây là vấn đề khó trong thực tiễn.

 

´Theo nhiều ý kiến thì hôn nhân đồng giới sẽ cần có lộ trình, vậy lộ trình này như thế nào?


Theo lộ trình của nhiều nước trên thế giới thì từ cấm rồi không cấm, đến thừa nhận. Chúng ta cũng có thể đi theo con đường đó nhưng bao nhiêu năm còn tùy thuộc thực tiễn. Điều này phụ thuộc vào sự chấp nhận của dư luận xã hội khi xã hội phát triển lên thì luật pháp có thể thừa nhận. Ngay bây giờ theo tôi thì khó.


Đây là vấn đề mới, nhạy cảm của xã hội. Không thể chỉ vì một nhóm người mà gây phản ứng trong xã hội, dẫn đến hậu quả khó lường. Chúng ta tính đến mặt bằng chung về văn hóa, truyền thống, đạo đức xã hội, về hôn nhân gia đình truyền thống ăn sâu từ ngàn đời nay. Nay xã hội phát triển có hiện tượng mới và người ta chưa chấp nhận ngay một lúc được mà phải có thời gian mới chấp nhận và phải chờ. Luật không cấm kết hôn theo tôi là bước tiến bộ của lần sửa đổi này. Đây là bước tiến của nhận thức, tạo ra dư luận mới về người đồng tính. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng cần có nghiên cứu khoa học về người đồng giới xem nguyên nhân, tình trạng người đồng giới ra sao, điều tra xã hội học xem có bao nhiêu người đồng giới và xem cuộc sống cá nhân họ như thế nào… Và phải có dữ liệu thực tiễn, dữ liệu khoa học cụ thể thì mới tuyên truyền phổ biến tạo dư luận và chuyển hóa vào trong luật.


Xin cảm ơn ông!


Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN