Khám sức khỏe tiền hôn nhân để "mẹ tròn con vuông"

Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới phát hiện ra người bạn đời mắc bệnh di truyền, truyền nhiễm… Hệ lụy đau lòng hơn cả là những đứa con do họ sinh ra cũng bị dị tật bẩm sinh hoặc tâm thần, nhiễm HIV… Do vậy, các đôi uyên ương cần chú trọng khám sức khỏe tiền hôn nhân, đảm bảo đứa con sinh ra sẽ không trở thành nỗi day dứt cho gia đình và gánh nặng cho xã hội.

Cha mẹ "rước" bệnh cho con


Hiện nay, nhiều chuyên gia nhi khoa cảnh báo rằng tỷ lệ trẻ em mắc bệnh Thalassemia, một bệnh về máu có tính di truyền, có xu hướng tăng. Trẻ mắc Thalassemia thường bị sạm da, xơ gan, suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển vận động, tâm thần, thậm chí suy tim và tử vong.

Cán bộ của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Định tư vấn cho cặp vợ chồng trẻ tiền hôn nhân tại Văn phòng xét nghiệm tự nguyện.
Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Khoa Huyết học lâm sàng, BV Nhi TƯ quản lý tới hơn 1.000 hồ sơ bệnh nhân Thalassemia, số bệnh nhân đến truyền máu mỗi tháng khoảng 120 - 150 trường hợp. Nhiều gia đình vô cùng khổ sở, đau đớn vì cả hai con nhỏ đều mắc bệnh. Tại BV Nhi Đồng I, TP.HCM, mỗi năm cũng tiếp nhận từ 800 - 1.000 lượt bệnh nhi Thalassemia nhập viện điều trị. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, mỗi năm cũng có hàng trăm bệnh nhân đến để điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, các chuyên gia nhi khoa khẳng định rằng, số bệnh nhân được điều trị vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân chính cũng chỉ vì các cặp vợ chồng chưa chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân để được phát hiện bệnh và tư vấn trước sinh kịp thời.

"Để tránh sinh ra những đứa trẻ mang gen bệnh Thalassemia, trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng cần thử máu để biết mình có mang gen bệnh hay không. Nếu hai người mang gen bệnh sẽ được tư vấn là không nên lấy nhau. Trường hợp hai người mang gen bệnh đã kết hôn thì không nên sinh đẻ", BS Nguyễn Văn Lộc, BV Nhi TƯ, khuyến cáo.

Điều đáng lo ngại là không chỉ riêng bệnh nhi Thalassemia có xu hướng tăng, các chuyên gia sản khoa cho hay có rất nhiều trường hợp sau khi phát hiện có thai, bà mẹ mới biết mình nhiễm HIV, viêm gan B... Lúc này thì sự việc đã ở tình thế "tiến thoái lưỡng nan", tư vấn bỏ thai đi cũng không được mà tiếp tục theo dõi thai nhi cũng rất khó khăn.

Cần sự đầu tư thông minh


Theo TS Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng Nghiên cứu, Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Hà Nội: Thời gian đầu của thai kỳ, có nhiều phụ nữ không biết rằng mình có thai. Họ đã bỏ qua khoảng thời gian vô cùng quan trọng vì những tuần lễ đầu của thai kỳ là thời điểm thành lập cấu trúc của cơ thể thai nhi và hầu hết các cơ quan nội tạng chính. Nếu thai phụ có sức khỏe yếu, các bệnh nhiễm khuẩn rất dễ "tấn công" . Đặc biệt, nếu sử dụng một số thuốc, hút thuốc lá hay uống rượu có thể gây nguy hại đến thai nhi. Ngược lại, một cơ thể khỏe, phong cách sống lành mạnh, tinh thần vững vàng có thể giúp thai nhi khỏe mạnh, giảm nguy cơ biến chứng trong thai nghén cho cả mẹ và con. Chính vì thế, sự chuẩn bị về tâm lý và chăm sóc sức khỏe trước khi có thai rất quan trọng và là sự đầu tư thông minh.

Khi chuẩn bị mang thai, các cặp vợ chồng nên đầu tư cho việc kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ chuyên khoa sản sẽ thăm khám sức khỏe toàn thân, hỏi về tiền sử bệnh tật và gia đình (huyết áp cao, đái tháo đường, động kinh, chậm phát triển trí tuệ...), tiền sử phụ khoa hay những lần mang thai trước (sảy thai, rau tiền đạo, thai chết lưu...), chế độ dinh dưỡng, làm việc, các thói quen sống, các thuốc từng sử dụng và chỉ định một số xét nghiệm nếu cần thiết...

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, lậu, Chlamydia...) cũng có thể nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Nếu là người có nguy cơ cao (có nhiều bạn tình cùng lúc hoặc quan hệ với người nghi nhiễm), hoặc có những triệu chứng nghi ngờ, hãy hỏi bác sĩ để được chỉ định xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Cần xét nghiệm cả hai và điều trị (nếu có bệnh) cả hai cho tới lúc ổn định rồi hãy có thai. Lưu ý, nếu người phụ nữ dùng bất kỳ loại thuốc gì ngay trước và trong khi mang thai, hãy thông báo với bác sĩ để xin ý kiến. Nhiều loại thuốc người mẹ sử dụng khi mang thai hoặc ngay trước khi có thai có thể có các tác dụng phụ nguy hại đến thai nhi, ví như một số loại kháng sinh có thể gây điếc hay liệt cơ cho thai nhi.

Ngoài ra, các bà mẹ trẻ tương lai cần tiêm một số vắcxin như: Vắcxin sởi, sởi Đức (Rubella), quai bị (tiêm trước khi có thai 3 tháng (nếu chưa tiêm bao giờ), thủy đậu (trước khi có thai 1 tháng), bạch hầu - uốn ván nhắc lại (10 năm/lần), viêm gan A và B, cúm và viêm phổi (có thể tiêm khi có thai).

"Các đôi uyên ương nên "đầu tư", tham gia chương trình tư vấn tiền hôn nhân hay tư vấn trước sinh tại một số bệnh viện sản phụ khoa lớn. Hoạt động này rất có ích cho bà mẹ mang thai, quá trình đẻ và nuôi dưỡng em bé sau này", TS Nguyễn Công Nghĩa "tư vấn" thêm.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN