Indonesia tích cực tìm kiếm 16 công dân mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo hãng ANTARA ngày 9/3, Indonesia tiếp tục nỗ lực tìm kiếm 16 công dân mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ và được cho là đã gia nhập tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).

Ảnh minh họa.


Phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, một nhóm gồm 24 người Indonesia đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trên danh nghĩa đi du lịch thông qua văn phòng dịch vụ Smailing Tour. Ngay sau khi đến sân bay ở Istanbul, 16 người đã tách đoàn và không đến các điểm du lịch đã định trước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir cho biết đã thông báo sự việc trên cho Tổng Lãnh sự quán tại Istanbul và phối hợp với cảnh sát để tìm kiếm. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu 16 công dân này có gia nhập IS hay không.

Tuần trước, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Indonesia đã gửi một bức thư cho Interpol Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc tìm kiếm các công dân trên, song đến nay chưa nhận được thư trả lời.

Trong một diễn biến khác, theo thông báo của Bộ Nội vụ Anh, Chính phủ nước này ngày 10/3 sẽ công bố luật mới cho phép ngăn chặn các hãng hàng không chuyên chở những hành khách có thể gia nhập lực lượng thánh chiến IS ở Syria và Iraq.

Đạo luật này sẽ giúp ngăn chặn công dân Anh ra nước ngoài để tham chiến sau đó quay trở lại nước Anh, đồng thời giúp tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát hành động của những đối tượng có thể tạo ra các mối nguy. Luật trên cũng quy định các hãng hàng không chuyên chở những hành khách loại này đều phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Hệ thống tự động dựa trên danh sách hành khách do các hãng hàng không cung cấp sẽ đưa ra các cảnh báo về những hành khách được liệt vào hàng có nguy cơ cao và giúp ngăn chặn những người này lên máy bay.

Đây cũng là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Anh nhằm ngăn chặn những người nước ngoài tới Syria bằng các chuyến bay thương mại để tham chiến trong hàng ngũ IS. Động thái trên được đưa ra vài tuần sau vụ ba nữ sinh Anh ở thủ đô London rời khỏi nước này để gia nhập IS. Điều phối viên của Anh phụ trách vấn đề chống khủng bố Helen Ball ngày 8/3 cho hay năm ngoái, có ít nhất 22 gia đình tại Anh thông báo về trường hợp phụ nữ và các bé gái bị mất tích, những người được cho là đã chạy sang Syria.

Bộ Nội vụ Anh ước tính hàng nghìn người nước ngoài từ trên 80 nước và khoảng 600 người Anh - bao gồm cả đao phủ bịt mặt có biệt danh "John Thánh chiến" (Jihadi John) xuất hiện trong các đoạn băng ghi cảnh chặt đầu các con tin trong tay tổ chức khủng bố IS tự xưng - đã tới Syria hoặc Iraq để tham gia IS và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác.

Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp iTele, Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 8/3 cảnh báo số người châu Âu tham gia lực lượng thánh chiến ở hai nước Trung Đông nêu trên tính tới cuối năm nay có thể lên tới 10.000 người, cao gấp ba lần con số hiện tại. Pháp và Bỉ là hai quốc gia có số người rời bỏ đất nước để tham gia lực lượng IS tự xưng nhiều nhất.


TTXVN/Tin tức
Vụ thảm sát Paris: Ký ức về một người chồng
Vụ thảm sát Paris: Ký ức về một người chồng

Vợ họa sĩ biếm họa Georges Wollinski, nạn nhân vụ thảm sát Charlie Hebdo, bà Maryse, đã tâm sự về chồng mình và cách bà vượt qua khủng hoảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN