Huyền thoại về tư lệnh “thép” nước Phổ - Kỳ 2: Bí quyết thành công

Bí quyết chiến thắng của Moltke nằm ở sự trau chuốt trong khâu lập kế hoạch tác chiến trên mọi cấp độ. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Tổng tham mưu trở thành một tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp, quy tụ những thành phần ưu tú gồm những sĩ quan được huấn luyện bài bản, tinh thông trong lĩnh vực khoa học chiến tranh.


Công binh Phổ lắp đặt một tuyến điện báo.

 

Moltke đặc biệt chú trọng đúc rút các bài học từ những chiến dịch trong quá khứ. Hoạt động đánh trận giả cho phép các sĩ quan thử nghiệm kế hoạch trong những tình huống khác nhau, trong khi việc lập bản đồ chính xác và các buổi huấn luyện thực địa chiến trường giúp họ thông thạo hơn với địa hình nơi các lực lượng Phổ có thể được triển khai tham chiến.


Thay vì cố gắng áp đặt một hệ thống cứng nhắc các quy tắc chiến tranh, Moltke khuyến khích thuộc cấp của ông thích nghi với những hoàn cảnh luôn thay đổi. Nhiệm vụ của vị chỉ huy tối cao này là thiết lập một khuôn khổ chiến lược chung. Hành động trong khuôn khổ này, các chỉ huy đội hình sẽ có thể lý giải những chỉ thị của ông trên chiến trường, với sự trợ giúp của các tham mưu của họ. Khác xa với hình ảnh những cỗ máy răm rắp phục tùng mệnh lệnh theo quan điểm truyền thống, giới sĩ quan Phổ và sau này là những sĩ quan Đức được huấn luyện để vận dụng sáng kiến của họ.


Bộ binh Phổ di chuyển linh hoạt, tận dụng tốt địa hình để giành phần thắng trong trận Koniggratz.

 

Điều này là cần thiết trong bối cảnh quy mô của quân đội ngày càng lớn. Năm 1866, Phổ huy động tổng cộng 254.000 quân, trong khi chỉ bốn năm sau đó có tới 300.000 quân được triển khai dọc biên giới Pháp - Đức. Như Moltke đã nói: "Chỉ khi thành thạo và quen thuộc với hành động độc lập thì chỉ huy các cấp mới có thể dễ dàng điều động những quân số khổng lồ".


Trong bất cứ trường hợp nào, hệ thống liên lạc sẵn có thời kỳ đó không cho phép người chỉ huy kiểm soát tường tận sự dịch chuyển của các đơn vị quân đội. Do đó, kỹ thuật điện báo trở thành phương tiện không thể thiếu để phối hợp các bước mở màn của một chiến dịch, và cho phép tổng tham mưu trưởng giữ liên lạc với các đội quân cơ động. Tuy nhiên, hệ thống này đã bị mất tác dụng khi hai bên giao chiến. Đó là lúc các chỉ huy quân đoàn và sư đoàn phải tự đưa ra các phán đoán của mình, bởi họ không thể liên lạc với tổng hành dinh.

 

Tìm trận đánh quyết định


Cũng giống với thế hệ trước thời Napoleon, trọng tâm triết lý chiến tranh của Moltke là tìm kiếm trận đánh quyết định, mục đích nhằm triệt hạ chủ lực của kẻ thù. Moltke từng viết: "Nói chung, yếu tố mang tính quyết định không phải là chiếm đóng một địa hình và cũng không phải là chiếm giữ một trận địa gia cố, mà là tiêu diệt lực lượng chiến đấu của đối phương".


Để đạt được mục tiêu này, Moltke nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhanh chóng huy động và tập trung quân đội Phổ nhờ tận dụng triệt để mạng lưới đường sắt hiện đại của nước này. Cách làm ưa thích của ông là điều động các lực lượng một cách riêng rẽ, rồi đưa họ ra chiến trường cùng một lúc để giáng một đòn chí tử vào mạng sườn đối phương.


Tuy nhiên, sự huy động của quân Phổ không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng lập trình. Trong cả hai cuộc chiến năm 1866 và 1870, các tuyến đường sắt đã bị ách tắc do các toa tiếp tế được chuyển đi mà không tính đến phương tiện dỡ hàng ở điểm đến. Moltke đã gặp may ở cả hai lần đó, vì những sai sót này tỏ ra khá nhỏ trong khi kẻ thù lại mắc những lỗi nghiêm trọng về tổ chức.

 

Trận Koniggratz


Chỉ huy quân đội Áo năm 1866 là Ludwig von Benedek. Chính sự thiếu quyết đoán của viên tướng này đã làm tiêu tan triển vọng chiến thắng của nước Áo. Tin tưởng vào các cứ điểm phòng thủ cố định chứ không phải linh hoạt, Benedek tập trung lực lượng gần pháo đài Koniggratz bên dòng sông Elbe ở Bohemia (nay là Cộng hòa Séc). Moltke lập kế hoạch bao vây quân Áo bằng việc điều Đạo quân Elbe và Đạo quân số 1 tiến về phía Đông Nam, trong khi Đạo quân số 2 sẽ hoàn tất việc di chuyển tạo thế gọng kìm bằng việc tiếp cận từ phía Đông Bắc.


Súng Dreyse, do Johann von Dreyse phát minh năm 1835,là loại súng trường đời đầu nạp đạn ở khóa nòng và hoạt động kiểu chốt. Mặc dù có một số nhược điểm như kim hỏa dễ gãy, chốt khó kéo, phớt làm kín yếu ở quanh khóa nòng vặn ren làm hạn chế hiệu quả bắn ở tầm xa, nhưng Dreyse mang lại cho quân Phổ một lợi thế quan trọng trước đối phương trong cuộc chiến năm 1866. Các binh sĩ có thể nạp đạn và bắn khi đang nằm hay di chuyển và tốc độ bắn nhanh hơn gấp 5 lần so với loại súng hỏa mai kiểu cũ nạp đạn đầu nòng súng được quân Áo sử dụng rộng rãi.

 

Đáng lẽ, kế hoạch này đã dễ dàng đổ bể nếu Benedek tận dụng tốt cơ hội nhỏ nhoi tấn công một trong những đạo quân của Phổ trước khi nó được tăng viện. Chiến dịch không được triển khai chính xác như dự định ban đầu của Moltke. Chiến sự nổ ra ngày 3/7 trước khi Đạo quân số 2 đến điểm tập kết. Người Phổ đã không thể vây hãm và để kẻ địch tháo chạy ồ ạt. Mặc dù vậy, Koniggratz là một trong những trận đánh mang tính quyết định nhất của thế kỷ 19. Nó buộc người Áo phải cầu hòa và từ bỏ yêu sách chi phối chính trị ở Bắc Đức.


Đóng vai trò then chốt trong chiến thắng của Phổ là sự hiệu quả của bộ binh nhờ sử dụng súng trường Dreyse để giành lợi thế trước những đội hình dày đặc của Áo. Quân Áo bị tấn công từ hai bên sườn bởi các đội hình trải dài của Phổ với hỏa lực hủy diệt của súng trường. Các binh sĩ của Moltke đã lợi dụng địa hình gập ghềnh, những cánh đồng ngô cao ngút và các đặc điểm tự nhiên khác để ẩn náu trong khi ra đòn khiến quân địch chết như ngả rạ và dồn những kẻ sống sót vào thế phải rút lui.


Người Áo sở hữu loại pháo có hỏa lực vượt trội, dùng để tấn công bộ binh đang tiến đến, nhưng con số thương vong của quân Phổ được giảm thiểu do họ thiên về tác chiến theo những đơn vị nhỏ.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ cuối: Chiến thắng bước ngoặt và di sản

Huyền thoại về tư lệnh “thép” nước Phổ - Kỳ 1: Sự nổi lên của Bộ Tổng Tham mưu
Huyền thoại về tư lệnh “thép” nước Phổ - Kỳ 1: Sự nổi lên của Bộ Tổng Tham mưu

Một trong những vị chỉ huy vĩ đại nhất trong lịch sử nước Phổ, kiến trúc sư trưởng của những chiến thắng lẫy lừng trên chiến trường góp phần tạo ra nước Đức hiện đại là Helmuth von Moltke "Lớn" (1800 - 1891).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN