Hướng đi mới tạo nguồn cán bộ Lào Cai

Sau hai năm thực hiện Đề án “Quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015” của tỉnh, đến nay Lào Cai đã có 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, chiếm xấp xỉ 50% so với mục tiêu của Đề án, đồng thời mở ra hướng đi mới cho công tác này ở Lào Cai.


 

Cô và trò trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai.

Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, chia tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, nên phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thiếu nguồn cán bộ có trình độ. Để khắc phục thực trạng này, tỉnh tập trung triển khai Đề án “Quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015”. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến hết năm 2015, đạt tỷ lệ 100% cán bộ được đào tạo bài bản và hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Triển khai đề án, nhiều cơ chế, chính sách được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và học sinh được cử đi đào tạo tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho người đi đào tạo trong 2 năm qua (2011 - 2012), theo Đề án là trên 65 tỷ đồng. Các cấp, các ngành, các huyện, thành phố đồng loạt cử người đi học tại các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội, Thái Nguyên… Đến nay đã có 22/29 sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp và 6/9 UBND huyện, thành phố và 8/16 cơ quan khối Đảng, đoàn thể đã có cán bộ, công chức đi đào tạo, để đảm bảo chất lượng cán bộ được giải quyết vào năm 2015.


Anh Thào Seo Thề, Bí thư Đảng ủy xã Bản Già, huyện Bắc Hà, vừa tốt nghiệp cán bộ quản lý Nhà nước tại trường Chính trị tỉnh chia sẻ: “Khi trình độ chuyên môn cán bộ xã hạn chế thì việc giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính và chế độ chính sách cho người dân không đảm bảo. Mặc dù xã thiếu cán bộ, khi tỉnh, huyện triển khai Đề án, xã quyết định cử 7 cán bộ xã đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Một mặt là để sớm hoàn thành tiêu chí cán bộ trong xây dựng nông thôn mới, mặt khác là cán bộ được đào tạo theo chương trình, sau này về làm việc sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng nguyện vọng nhân dân”.


Đại tá Nguyễn Danh Hợi, Chính ủy trường Quân sự tỉnh, cho biết: Kết quả đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn của nhà trường đã có 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó khá, giỏi đạt 66,7%. Nét nổi bật là các học viên sau khi hoàn thành công tác huấn luyện trở về địa phương công tác, phát huy tốt chức trách tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quản lý tốt Nhà nước về công tác quốc phòng. Tổ chức hiệp đồng với các lực lượng chức năng, chủ động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, cháy rừng, đồng thời giải quyết tốt các vụ việc liên quan về an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.


Do làm tốt công tác quy hoạch, nên các chỉ tiêu, tiến độ đề án đã đảm bảo, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Cụ thể về đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, trong 2 năm đã đào tạo trên 1.000 người, vượt 15% mục tiêu Đề án. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng cán bộ dân tộc thiểu số được trên 1.700 người, chiếm 65% tổng số người được tuyển dụng, nâng tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số lên cao hơn trước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Ông Vũ Xuân Cường, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Với cơ chế chính sách mới, Đề án phấn đấu hoàn thành đào tạo cán bộ vào năm 2015. Thời gian tới, nhiệm vụ và giải pháp của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan, đơn vị là thực hiện tốt công tác tuyên truyền Đề án. Thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đối chiếu với mục tiêu Đề án, từ đó thực hiện kế hoạch cử người đi đào tạo, bồi dưỡng theo các nội dung Đề án đã xác định. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo theo quy định của tỉnh và Trung ương, động viên, tạo điều kiện cho người đi học. Tiếp tục đổi mới phân bổ nguồn nhân lực trong thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước; phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa trong công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên các trường đào tạo chuyên nghiệp của tỉnh “vừa hồng vừa chuyên”, đảm nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu của Đề án đối với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố Lào Cai.


Bài và ảnh: Văn Tuất

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN