Hướng đến sản xuất rau an toàn

Sản xuất rau an toàn (SXRAT) vừa là nhu cầu vừa là mục tiêu và định hướng của sản xuất rau cả nước. Do đó, nhiều mô hình SXRAT đạt hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành và phát triển trên cả nước.


Nhiều mô hình hay


Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, việc sản xuất rau theo phương pháp truyền thống làm cho rau ăn lá dễ bị nhiễm một số độc chất như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virút, kí sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrate). Do đó, việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP là một đòi hỏi tất yếu.


Xuất khẩu rau quả Việt Nam cần hướng đến mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn.


Hiện, nhiều mô hình SXRAT đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm đang được hình thành và phát triển trên cả nước. Tuy nhiên, diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn trên cả nước còn rất nhỏ, chỉ đạt khoảng 16.700 ha.


Ông Đào Ngọc Chính, chuyên viên Phòng cây lương thực - Cây thực phẩm - Cục trồng trọt - Bộ NN&PTNT cho biết: Cả nước đã hình thành nhiều mô hình SXRAT hay và cho hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí có địa phương còn áp dụng SXRAT theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ như tại Tiền Giang có mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ rau an toàn của HTX rau an toàn Gò Công đã đem lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất rau theo phương pháp thường từ 1,2 - 1,7 lần. Một số nơi rau an toàn có giá cao hơn giá rau thông thường từ 10-20% nên đem lại thu nhập cao cho người dân, một số vùng SXRAT tập trung có tổng thu trung bình từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, cao nhất đạt 700-800 triệu đồng/ha/năm.


Ông Hoàng Trung Kiên, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Kiên Giang cũng cho biết: Phú Quốc cũng là nơi đầu tiên ở ĐBSCL thực hiện mô hình sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao, không trồng rau dưới đất mà trồng trên giá thể; không bón phân hạt mà dùng phân hòa tan; không tưới nước bằng tay mà tưới nước nhỏ giọt. Quy trình canh tác được quản lý nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, công ty cổ phần Nông trại Sinh thái là đơn vị đầu tiên của tỉnh áp dụng những công nghệ trồng rau an toàn trên và đã chuyển giao cho bà con trên đảo đồng thời bao tiêu thu mua lại của bà con, trung bình mỗi ngày đơn vị này cung cấp khoảng 700-800 kg rau sạch ra thị trường.


Theo đánh giá của Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hiện tình trạng SXRAT trên cả nước phát triển manh mún, nhỏ lẻ, giống rau sản xuất chủ yếu là giống F1 nhập nội, trình độ sản xuất thấp còn khá phổ biến; nhận thức và ý thức trách nhiệm của số đông người sản xuất về rau an toàn còn chưa cao, vẫn còn tình trạng số mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrate, kim loại nặng, trong khi chưa có quy định về hàm lượng nitrate trong rau của Bộ Y tế để tham chiếu xử lý. Vì vậy, để SXRAT đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế trên.


Tìm đầu ra cho rau an toàn


Có thể thấy, việc phân phối rau an toàn tại các chợ chưa được chú trọng, nhiều người tiêu dùng cũng chưa phân biệt được đâu là rau an toàn và rau thông thường.


Theo khảo sát của Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại 6 tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Thái Bình, Long An, Bình Dương thì có đến 90% người tiêu dùng khi được hỏi về cách nhận biết, phân biệt rau an toàn đều có chung câu trả lời là không phân biệt được rau an toàn với các loại rau, quả thông thường, bằng mắt thường. Họ chỉ phân biệt, nhận diện được rau an toàn qua các hệ thống bán lẻ có các chứng nhận tiêu chuẩn cụ thể.


Trong khi chợ lẻ, chợ đầu mối của các thành phố tiêu thụ hàng tấn rau, quả không rõ nguồn gốc mỗi ngày thì trung bình các đại lý, hệ thống siêu thị chỉ tiêu thụ khoảng 500-700 kg rau an toàn. Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho rằng, giá thành SXRAT cao vẫn là trở ngại để thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này, phần lớn giá bán các sản phẩm rau an toàn và rau thông thường chưa có sự khác biệt nhiều và thường không ổn định, giá thường cao vào đầu và cuối vụ sản xuất (cao gấp 1,5 - 2 lần) so với giá bán giữa vụ.


Thực tế cho thấy, nhiều mô hình, nhiều địa phương đã đầu tư kinh phí SXRAT nhưng chưa gắn kết được khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ vì vậy không kích thích được việc phát triển SXRAT.


Ông Đào Ngọc Chính cho biết: Việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, do đó người sản xuất rất dễ bị ép giá bởi tư thương chủ động đến thu hoạch và mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Hình thức này người sản xuất bán cho tư thương thấp hơn giá bán lẻ tại chợ 20 - 30%. Vì vậy để tiêu thụ rau an toàn, đồng thời giúp những hộ nông dân trồng rau nâng cao thu nhập từ việc trồng rau an toàn, ngoài việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thì chúng ta phải thúc đẩy tiêu thụ cho rau an toàn.


Vừa qua, nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đã tăng cường việc thúc đẩy tiêu thụ rau an toàn dưới nhiều hình thức đa dạng thông qua cách doanh nghiệp, hợp tác xã... Đại diện trung tâm khuyến nông Hà Nội cho biết: Để đảm bảo đầu ra cho rau an toàn Hà Nội, chúng tôi đã đưa rau an toàn tiêu thụ qua các kênh siêu thị cửa hàng bán rau an toàn. Đến năm 2012, thành phố đã hình thành mạng lưới rộng khắp với 35 siêu thị và 52 cửa hàng rau an toàn. Ngoài ra, còn thúc đẩy tiêu thụ thông qua các hợp đồng giữa doanh nghiệp hợp tác xã; hình thành các tổ tiêu dùng rau an toàn. Đặc biệt, Hà Nội đã vận hành sàn giao dịch điện tử “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn” nhằm giúp kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.


Còn ông Huỳnh Văn Tuấn, Phòng kinh doanh thực phẩm Saigon Co.op cho biết, từ năm 2010 công ty đã ký kết hợp đồng đầu tư tiêu thụ hàng nông sản với Sở NN&PTNT tại TP.HCM, Lâm Đồng, Tiền Giang. Từ đó định hướng, quy hoạch xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất các loại cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để cung cấp sản phẩm cho công ty. Đồng thời ổn định được sản phẩm cung ứng cho thị trường với giá cả ít biến động.


Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết lựa chọn sản phẩm rau an toàn, thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần phải thực hiện việc dán tem nhận diện cho các sản phẩm rau an toàn cả bán buôn và bán lẻ tại các cửa hàng. Có như vậy, mới tăng sức cạnh tranh, tạo cơ sở để người tiêu dùng phân biệt được rau an toàn.


Đan Phương - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN