Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình, tại các xã vùng ATK và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã xây dựng 142 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện, 364 km đường trục xóm và liên xóm, 151 km đường ngõ xóm, 89 km kênh mương nội đồng; xóa 35 xóm, bản “trắng điện” tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ; cải tạo, sửa chữa, xây mới 212 phòng học mầm non, mẫu giáo, 126 phòng bậc tiểu học, 94 phòng bậc trung học cơ sở...
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, khi thực hiện chương trình, Ủy ban nhân dân các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện lồng ghép, sử dụng hợp lý các nguồn vốn để triển khai các mục tiêu đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Hầu hết các công trình xây dựng đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật theo yêu cầu thiết kế, khi đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân... Cùng với việc đầu tư phát triển xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, Thái Nguyên còn triển khai hàng loạt các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các xã trong vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Điển hình như chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; dự án hỗ trợ phát triển diện tích trồng cây ăn quả; hỗ trợ phát triển trang trại, chăn nuôi; hỗ trợ mô hình nuôi cá lồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế...
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cùng với việc duy trì, phát triển 6 trường phổ thông dân tộc nội trú với tổng số học sinh gần 1.600 học sinh theo học, tỉnh đã xây dựng 9 trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập con em đồng bào các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK. Riêng gần 2 năm qua, tỉnh đã triển khai Dự án cấp bách xóa phòng học tạm, xây mới 33 phòng học với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng ở hai huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, đảm bảo 100% các xã có trường học kiên cố. Đồng thời, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở đối với các học sinh đang theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao thể trạng học sinh vùng khó khăn. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ và kịp thời như: hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ về y tế; hỗ trợ về nhà ở; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ tiền điện; bảo trợ xã hội… được triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần ổn định cuộc sống các hộ nghèo, hộ cận nghèo và từng bước vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững ở vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc thực hiện các chương trình đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi nói chung, vùng ATK, đặc biệt khó khăn nói riêng cải thiện cuộc sống, ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã ATK, xã đặc biệt khó khăn ở Thái Nguyên đã giảm 4,3% trong khi mức giảm chung bình quân của toàn tỉnh là 2%. Số xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh so với thời điểm trước 2017 đã giảm từ 48 xã xuống còn 36 xã, trở thành một trong những tỉnh giảm nhanh trong toàn quốc...
Tuy vậy, về tổng thể, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế như: một số chương trình, đề án, dự án chuyên ngành đã xác định nguồn lực nhưng việc cân đối, bố trí kinh trí của Trung ương, địa phương không đủ so với mức được phê duyệt, có nội dung chưa được cấp kinh phí dẫn đến việc thực hiện một số mục tiêu gặp khó khăn. Ngoài ra, việc lồng ghép còn khó khăn do nhiều nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ khác nhau, thời điểm giao vốn khác nhau; có huyện chưa xác định đúng thứ tự ưu tiên đầu tư, chưa lựa chọn được các mô hình phát triển sản xuất để nhân rộng và nâng cao thu nhập cho đồng bào theo hướng sản xuất hàng hóa...
Theo ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra trong “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2020” với một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: tập trung bố trí lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, dự án được giao quản lý thực hiện để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi để các đối tượng có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ chính sách, hộ thoát nghèo, hộ thiếu đất sản xuất... được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bố trí từ nguồn vượt thu của tỉnh các năm tiếp theo để bổ sung kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình ngoài các chính sách đã có; tổ chức thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách dân tộc trên địa bàn...