Hỗ trợ phụ nữ lầm lỡ hoàn lương

Để hỗ trợ, giúp đỡ những phụ nữ từng hành nghề mại dâm và những người đang hoạt động mại dâm có mong muốn hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng, các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả.


Vượt qua lỡ lầm


Từ năm 2012, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LÐ,TB&XH) TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban phòng, chống AIDS TP Hồ Chí Minh, triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Thành phố cũng vận động, tập hợp chị em lầm lỡ tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ như “Cùng tiến”, “Niềm tin mới”, “Lá chắn”, “Phụ nữ vươn lên”… để nâng cao nhận thức, sửa chữa những sai lầm, thay đổi hành vi nhân cách giúp các chị em vững vàng vươn lên và tự giác mưu sinh lập nghiệp bằng chính khả năng của mình.

Nhiều chị em phụ nữ lầm lỡ tại TP.HCM được hỗ trợ học nghề trang điểm, làm tóc để trở về hoàn lương. (ảnh minh họa)


Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ,TB&XH) TP Hồ Chí Minh, cho biết: Việc thí điểm mô hình hỗ trợ tới từng quận huyện đã góp phần giúp nhiều chị em lầm lỡ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từ bỏ con đường tệ nạn xã hội. Mặt khác, với mức hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng/người để học nghề và mức hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng/người, cũng giúp các chị em yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Các nhóm CLB, tổ chức xã hội như cánh tay nối dài với cơ quan chức năng giúp các chị em lầm lỡ có điều kiện tiếp cận dịch vụ tư vấn và hỗ trợ hoàn lương. Các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ đã tổ chức lồng ghép có hiệu quả trong việc cho vay vốn hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật để giúp chị em lầm lỡ chuyển nghề. Đây là kết quả bước đầu và thời gian tới Cục sẽ để xuất mở rộng mô hình hỗ trợ này.

Bà Lê Thị Hà, quyền Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH)


Chị Phạm Thị Minh, đại diện nhóm “Về nhà” (Hà Nội) cho biết: Ban đầu nhóm có 7 người là những phụ nữ đã hoàn lương để chia sẻ thông tin, tiếp cận các dịch vụ phòng chống lây nhiễm HIV... Từ hoạt động tư vấn truyền thống, nhóm đã giúp nhau phát triển sinh kế. Nhóm đã hỗ trợ cho hơn 100 chị em có nhu cầu vay vốn mở cửa hàng bán nước chè, bán cơm, bún ốc. Thông qua Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, nhóm đã giúp 20 chị em hoàn lương được học nghề, làm ăn lương thiện.


Trong khi đó, chương trình tại TP Hồ Chí Minh, đã hỗ trợ cho hơn 107 chị em có việc làm ổn định với các nghề như uốn tóc, nối mi, làm móng, trang điểm cô dâu, may công nghiệp... Chị N.T.H (quận 4), từng hành nghề mại dâm, giờ đang làm chủ một tiệm uốn tóc, tâm sự: “Cuộc sống khó khăn nên tôi mới sa chân vào nghề mại dâm. Tuy nhiên, từ khi được thành phố cho đi học nghề trang điểm, tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện nay, tôi cũng đã được hỗ trợ vay vốn để mở một tiệm uốn tóc, trang điểm cho thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 3-4 triệu đồng. Cuộc sống của tôi đã ổn định hơn trước. Tôi rất cảm ơn cộng đồng giúp đỡ để tôi làm lại cuộc đời và biết sống có trách nhiệm hơn”.


Nhân rộng mô hình


Công tác hỗ trợ học nghề cho những người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng được coi là một trong những cách làm hiệu quả nhằm giúp các chị em lầm lỡ hoàn lương bền vững; đồng thời, cũng góp phần hạn chế tệ nạn mại dâm có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.


Theo ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh, mặc dù công tác hỗ trợ chị em lầm lỡ đã có những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn mang tính “mạnh ai nấy làm”. Chính vì thế, số lượng chị em được giúp đỡ còn khá khiêm tốn. Mặt khác, đa số chị em hoạt động mại dâm đều là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ổn định, gây khó khăn cho việc xét duyệt và hỗ trợ. Một đại diện của Ủy ban phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc hỗ trợ chi phí học nghề nên gắn liền với việc hỗ trợ cho vay vốn. Chẳng hạn, một bộ dụng cụ học nghề trang điểm bình thường đã mất 15 triệu đồng, mà mức cho vay chỉ có 10 triệu đồng, trong khi đó đa số các chị em thuộc diện nghèo.


Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh cũng đang có kế hoạch đề xuất với Thành phố và Trung ương nâng mức hỗ trợ để giúp chị em trang trải học phí, mua nguyên vật liệu thực hành và sắm đồ nghề làm việc. Ðồng thời, Sở cũng tăng cường liên kết với các doanh nghiệp ở địa phương có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ để hỗ trợ giới thiệu việc làm, giúp các chị em ổn định cuộc sống.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết-Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN