Hỗ trợ cho con em đồng bào Khmer đến trường

Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) có trên 52% dân số là đồng bào Khmer. Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc, thời gian qua, việc triển khai các chính sách đối với giáo dục đào tạo, đặc biệt là hỗ trợ tiếp bước cho con em đồng bào Khmer đến trường, không phải bỏ học, đã được quan tâm đặc biệt. Nhiều chính sách hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho học sinh mang lại hiệu quả cao.

Nữ sinh Khmer trường DTNT trong một giờ học thể dục.


Thực hiện Quyết định 112 và 101 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 49 hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, với mức 70.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh để mua sách, vở và đồ dùng học tập... trong thời gian 9 tháng học, theo thống kê của Phòng Giáo dục thị xã Vĩnh Châu, năm học 2011 - 2012, thị xã có 26.044 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập, với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng. Ngoài ra đã miễn giảm học phí hơn 640 triệu đồng cho các em. Năm học 2012 - 2013 này có hơn 27.600 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với số tiền gần 17 tỷ 400 triệu đồng và miễn giảm học phí cho các em với số tiền 1 tỷ 440 triệu đồng.


Tại trường Trung học cơ sở phường 2, thị xã Vĩnh Châu, năm học vừa qua, có gần 700 học sinh dân tộc Khmer, chiếm 83% tổng số học sinh toàn trường, được hỗ trợ tiền theo NĐ 49 của Chính phủ. Bà Võ Thu Bảo Thúy - Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở phường 2, cho biết: “Thực hiện Nghị định 49, ngay từ đầu năm, trường đã lập danh sách rà soát học sinh có hộ khẩu cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn, khi có kinh phí, đã cấp phát kịp thời cho các em. Việc thực hiện Nghị định 49 đã phần nào giúp gia đình các em đỡ lo chi phí học tập. Chính vì thế, tỉ lệ trẻ em không đến trường hoặc học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm rất nhiều so với những năm học trước đây”.


Nghị định 49 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho những học sinh người dân tộc tiếp tục đến trường. Như em Lê Thị Bích Thủy ở khóm Cà Lăng A Biển, nhà rất nghèo, cha mẹ quanh năm làm mướn, vất vả nuôi 3 con ăn học. Thương cha mẹ quá cực khổ, nhiều lúc Thủy đã muốn bỏ học để tìm việc phụ giúp gia đình, nhưng nhờ được sự giúp đỡ của thầy cô số tiền hỗ trợ hàng tháng từ Nghị định 49, Thủy lại được cắp sách đến trường. Bà Thạch Thị Na Linh - mẹ Thủy, cho biết: “Gia đình khó khăn lắm, chồng đi làm mướn ở xa gửi tiền nuôi gia đình. Có hỗ trợ của Nhà nước nên tôi đỡ lo, gia đình rất cám ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách hợp lòng dân như vậy”.


Cũng nhờ nguồn hỗ trợ này mà em Trần Thị Dịu Dàng, ở khóm Cà Săng, phường 2, được tiếp tục đến trường. Gia đình có 6 anh chị em nên cuộc sống rất khó khăn. Hàng ngày cha mẹ và các anh chị phải đi làm thuê kiếm sống và nuôi em ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, 9 năm học vừa qua, Dịu Dàng luôn là học sinh giỏi của lớp. Nhưng hoàn cảnh gia đình Dịu Dàng ngày càng khó khăn, người cha qua đời, một mình mẹ hàng ngày phải đạp xe đi bán hàng rong kiếm tiền cho con ăn học. Thương mẹ một mình vất vả có lúc em muốn nghỉ học để giúp mẹ mưu sinh. Nhưng tình thương, sự động viên của mẹ, khoản hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã tiếp sức cho em đến trường. Bà Huỳnh Thị Thoại - mẹ của Dịu Dàng cho biết: “Tôi sẽ cố gắng lo cho con mình ăn học đến nơi đến chốn, vì Nhà nước đã hỗ trợ một phần chi phí giúp gia đình”.


Những chính sách, hỗ trợ của Chính phủ đối với con em đồng bào Khmer, đã giải quyết khó khăn cho con em đồng bào của địa phương, góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học trong những năm qua, từng bước nâng cao dân trí trong vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng.


Bài và ảnh: Trung Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN