Hình thành phương châm “đánh chắc, tiến chắc”

Trong hồi ức của mình, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954 - T.G), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây được coi là một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử.

 

Bằng quyết định này, ta đã làm cho Bộ chỉ huy quân Pháp hoàn toàn bất ngờ: Việt Minh không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến trong 3 đêm 2 ngày với hơn 16.000 quân tinh nhuệ và thiện chiến của Pháp đang án ngữ trong 49 cứ điểm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một “siêu căn cứ quân sự” được cho là bất khả xâm phạm. Với quyết định này, ngày mở màn trận đánh “kinh điển” Điện Biên Phủ được lùi lại một tháng rưỡi so với kế hoạch (theo kế hoạch ban đầu thì ngày nổ súng mở màn chiến dịch là 20/1, sau đấy được lui lại đến 17 giờ ngày 26/1).


Quyết định thay đổi phương châm tác chiến (mà thực chất là quay về phương châm ban đầu) được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ chính trị và Tổng Quân ủy.


Như chúng ta đã biết, tháng 9/1953, Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng họp bàn định về hoạt động quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954. Mục đích của đợt hoạt động này là nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại Kế hoạch Navarre của Pháp; tạo nên bước chuyển biến mới cho cuộc chiến tranh. Về nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến, Bộ chính trị xác định: Chọn nơi địch sơ hở, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững quyền chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Kết thúc Hội nghị quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Đồng thời, Người cũng xác định: Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dụng binh là phải thiên biến vạn hóa. (1)


Thấu triệt tinh thần trên, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN đã khẩn trương cho xây dựng đề án tác chiến trên 4 hướng: Tây Bắc và Thượng Lào; đồng bằng Bắc Bộ; Trung - Hạ Lào và phát triển sang Cămpuchia; Bắc Tây Nguyên của Liên khu 5. Điều đáng lưu ý là trong đề án hoạt động quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954 của ta và cả trong Kế hoạch Navarre của Pháp cho đến thời điểm này đều chưa xuất hiện cụm từ “Điện Biên Phủ”.


Trung tuần tháng 11/1953, trong khi Đại đoàn 308 hành quân lên Tây Bắc và các đơn vị chủ lực khác của QĐNDVN đang triển khai thực hiện theo kế hoạch tác chiến nêu trên, thì ngày 20/11, quân Pháp mở Cuộc hành quân Catsto nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn đã nhanh chóng biến địa bàn này thành một tập đoàn cứ điểm mạnh giữa vùng rừng núi Tây Bắc xa xôi của Việt Nam.


Ngày 6/12/1953, Bộ chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng lúc, năm đòn tiến công của bộ đội chủ lực cũng được hình thành để phối hợp và “chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều này đã làm cho kế hoạch tập trung quân cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ của Navarre không thể thực hiện đựợc. Bộ chỉ huy quân Pháp cực chẳng đã, buộc phải phân tán chừng 70 tiểu đoàn đi ứng cứu cho các chiến trường Tây Bắc, Trung - Hạ Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào.


Ngày mồng một tháng Giêng năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập. Trước ngày lên đường ra mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Khuổi Tát chào Bác Hồ. Tại buổi gặp thân mật này, thay mặt Bộ chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho vị Tư lệnh chiến dịch: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Theo Người thì “chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”(2).


Ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa, BCH Mặt trận Điện Biên Phủ triệu tập Hội nghị cán bộ chiến dịch phổ biến kế hoạch tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại hội nghị này, các đại biểu đều thống nhất nhận định rằng địch vừa mới đến còn “lạ nước, lạ cái”, binh lực chưa nhiều, công sự còn dã chiến, bố phòng còn nhiều sơ hở. Ta chủ trương tranh thủ thời gian, lợi dụng khai thác những hạn chế nêu trên của địch, thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Theo phương châm tác chiến này, ta tập trung ưu thế binh, hỏa lực, nhằm vào chỗ hở sườn nhất của địch, đánh thốc thẳng vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm, tạo thế chia cắt, cô lập từng cứ điểm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch... tạo nên sự chuyển biến để tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Với cách đánh này, thời gian diễn ra chiến dịch sẽ đựợc rút ngắn, mọi công tác bảo đảm sẽ thuận lợi hơn, bộ đội còn đang sung sức...


Tuy nhiên, mặc dù bộ đội đã được chuẩn bị về mặt tư tưởng và chiến thuật đánh tập đoàn cứ điểm, song lại chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm đánh loại mục tiêu này. Vả lại, trên thực tế, tình hình tại mặt trận Điện Biên Phủ đã biến chuyển rất nhanh không còn phù hợp với phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” (Kẻ địch đã được tăng cường về lực lượng, trang bị vũ khí, hệ thống công sự đã được củng cố... Tập đoàn cứ điểm không còn ở trạng thái “phòng thủ lâm thời” nữa). Trong khi đó thì pháo binh của ta vẫn chưa vào hết, nhiều khó khăn mới xuất hiện.

 

Nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không một ai trong Đảng ủy và BCH chiến dịch dám bảo đảm “đánh chắc thắng” như yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị. Chính vì vậy mà ngày 26/1/1954, trước thời điểm nổ súng mở màn chiến dịch chỉ mấy tiếng đồng hồ, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Bác Hồ kính yêu; trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi trao đổi với Trưởng đoàn Đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh đã quyết định hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

 

Quyết định đó ngay lập tức được báo cáo về Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ hoàn toàn. Như vậy là chuẩn bị theo phương châm mới, trận đánh lịch sử được lùi lại một tháng rưỡi. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã chủ động chuyển sang vây hãm dài ngày; triệt phá đường tiếp tế; xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh, đào hàng trăm km đường hào, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện; tập trung binh hỏa lực tiêu diệt từng cứ điểm; tạo thế chia cắt cô lập với bên ngoài và giữa các cứ điểm, các trung tâm đề kháng với nhau... tiến tới tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm.


Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, ngày 13/3/1954, tiếng súng tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được khai hỏa.


Quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” phản ánh một quá trình tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, sáng tạo, trước hết là của Tư lệnh, của tập thể Đảng ủy, BTL chiến dịch trên cơ sở thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị. Bằng quyết định đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tập thể Đảng ủy, BCH chiến dịch đã đưa mọi người trở về với chủ trương đúng đắn ban đầu của Tổng Quân ủy trong Tờ trình ngày 6/12/1953 báo cáo Bộ Chính trị.


Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long Phó Viện trưởng Viện LSQS Việt Nam

------

(1)Võ Nguyên Giáp: Lên đường ra trận. Tạp chí LSQS. Số 1/1994. tr.4
(2) Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi. Nxb CTQG. 1991.Tr.91.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN