Hết đau chân nhờ giày cao gót điều chỉnh độ cao

Nhà thiết kế Tanya Heath ở Paris (Pháp) đang thực hiện một sứ mệnh là chứng minh rằng phụ nữ có thể đi giày cao gót mà không bị tổn thương đến sức khỏe đôi chân ngọc ngà.

 

Một chiếc giày cao gót dòng Tanya Heath cùng hai chiếc gót có độ cao khác nhau để thay đổi. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Bà đã chứng minh điều đó bằng một đôi giày có thể điều chỉnh độ cao do chính bà thiết kế. Ý tưởng của đôi giày rất đơn giản: Khi bắt đầu cảm thấy đau chân trên đôi giày cao gót, bạn chỉ cần ấn nút ở đế giày, tháo hai gót cao ra, thay bằng hai gót thấp. Vậy là đôi giày cao đang từ độ cao lênh khênh 9 cm có thể hạ xuống chỉ còn 4 cm, không khác giày bệt là mấy.

 

Điều mà chưa ai biết về sản phẩm được bà Heath giới thiệu tại một buổi trình diễn thời trang ở Paris trong tháng 9 này là làm thế nào đôi giày có thể giữ thăng bằng và tạo cảm giác thoải mái ở hai độ cao khác nhau như thế.

 

Để thiết kế đôi giày đầu tiên trên thế giới có thể điều chỉnh độ cao gót, bà Heath đã mất tới 3 năm nghiên cứu khó nhọc. Đôi giày được bán ở phân khúc thị trường cao cấp, với giá khởi điểm khoảng 320 USD.

 

Tại buổi trình diễn thời trang ở Paris, bà Heath đã chọn những người mẫu mặc trang phục có hơi hướng của những năm 1920 để họ trình diễn trên đôi giày của mình vì muốn tạo ra phong cách hoài cổ đằm thắm, trái ngược với xu hướng công nghệ nhanh và hiện đại.

 

Bà Heath nói: "Thiết kế giày là một trò chơi hình khối đặc biệt. Tất cả các đôi giày có chất lượng đều theo một bộ quy tắc về hình khối. Tôi không theo những quy tắc này. Chúng tôi thiết kế mọi thứ một cách khác biệt".

 

Là một người đam mê đi giày cao gót, bà Heath từng bị biến dạng chân chỉ vì những đôi giày nữ tính này, giống như khoảng 38% phụ nữ trên thế giới. Bà nói: "Tôi đã nếm đủ mùi đau chân rồi nhưng tôi từ chối thẳng thừng những đôi giày đế bệt như giày balê".

 

Kinh nghiệm của bản thân đã tạo động lực cho bà Heath trong dự án thiết kế đôi giày cao gót điều chỉnh độ cao và bà muốn những đôi giày này được sản xuất hoàn toàn ở Pháp - một nền kinh tế đắt đỏ.

 

Năm 2009, bà Heath đã bỏ việc ở một công ty chứng khoán tư nhân và dấn thân vào dự án giày cao gót. Bà bắt đầu dự án bằng việc đến Dordogne để xem xét mua lại một nhà máy giày đang gặp khó khăn. Khi đến nơi, bà Heath bị sốc khi nhìn thấy nhà máy bị đóng cửa, 52 người làm công ăn lương bị ném ra đường.

 

Ý tưởng mua nhà máy chẳng đi đến đâu nhưng bà đã tiếp nhận một đội gồm 21 kỹ sư, nhà thiết kế và kỹ thuật viên để biến dự án giày cao gót thành hiện thực.

 

Đôi giày của bà đã được sản xuất hoàn toàn ở Pháp, trong đó da lấy từ vùng Limoges ở miền trung và được sản xuất tại ba nhà máy, máy móc thiết bị được sản xuất ở Franche-Compte ở miền đông, gót giày nhập từ Cholet ở miền tây còn thân giày làm ở Rouen thuộc miền tây bắc.

 

Từ khi bắt đầu bán hàng hồi tháng 2/2012, bà Heath đã bán được 800 đôi thông qua của hàng bách hóa Printemps, trang web cá nhân, cửa hàng trực tuyến Sarenza và 6 cửa hàng tại 5 quốc gia.

 

Theo tiết lộ của bà, bà đã có các màu chủ đạo cho mùa đông năm nay, đó là màu xanh thẫm, đen, đỏ rượu vang và xanh kết hợp họa tiết da báo đốm.

 

Cơ sở sản xuất giày cao gót của bà Heath là một trong khoảng 50 công ty sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tại Pháp. Trong khi dòng sản phẩm giày cao gót điều chỉnh độ cao Tanya Heath vẫn tiếp tục được sản xuất ở Pháp, bà đã có dự định cho một dòng sản phẩm thứ hai nhưng sẽ được sản xuất ở nước khác.

 

Để đáp ứng đơn đặt hàng lớn từ Hàn Quốc và Canada, bà cần tăng quy mô sản xuất và hạ giá thành. Bà phân tích: "Tôi muốn giày của tôi có thể bán được cho một cô gái lao động. Tuy nhiên, điều này là không thể nếu sản xuất hoàn toàn tại Pháp. Chỉ một miếng da thôi đã tốn tới 80 euro rồi".

 

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN