Hậu quả từ vi phạm giao thông ở Moskva

Sau gần 1 năm công tác tại thủ đô Moskva của LB Nga, ý nghĩ thường trực trong tôi khi tham gia giao thông ở thành phố đông đúc và tấp nập này là phải nhất nhất tuân thủ luật giao thông, bởi nếu không, bạn có thể bị phạt và thậm chí chịu những hậu quả to lớn từ trát phạt đó.

 

Phạt nguội - kẻ thù vô hình


Ngoài hình thức xử phạt thường thấy là bị cảnh sát giao thông dừng xe và lập biên bản vi phạm giao thông, Moskva còn có một hình thức phạt cũng không kém phần “nguy hiểm” được cánh lái xe gọi là “phạt nguội”. Số là trên các nẻo đường của Moskva, nhà chức trách ngày càng tăng cường sử dụng camera tự động giúp duy trì trật tự giao thông. Thôi thì đủ loại camera, nào là camera đo tốc độ, camera kiểm soát làn đường, camera giám sát điểm đỗ xe. Ngoài hệ thống camera ghi hình sẵn có trên những trục đường chính, cảnh sát giao thông còn tổ chức và tăng cường các xe di động đi khắp thành phố để ghi hình các vi phạm.

Gần 5 triệu xe ô tô lưu hành trên đường phố Moskva.


Khi bạn vi phạm, camera sẽ ghi lại biển số xe cùng thông số cụ thể về thời điểm và lỗi vi phạm khi tham gia giao thông rồi gửi hóa đơn phạt về địa chỉ theo đăng ký xe để chủ sở hữu tới nộp phạt tại ngân hàng. Mức “phạt nguội” có thể rất đáng kể. Ví dụ như đi xe vào đường dành riêng cho xe công cộng bị phạt tới 3.000 rúp (85 USD), hay đỗ xe ở trung tâm không trả phí 50 rúp/giờ bị phạt 2.500 rúp (71 USD).


Hình thức “phạt nguội” khá văn minh và hiệu quả. Tuy nhiên để làm được như vậy, chính quyền cần kiểm soát tốt hoạt động đăng ký xe chính chủ. Do nguyên tắc “phạt nguội” là gửi hóa đơn về địa chỉ người đăng ký xe nên khi bán hay đổi chủ, người chủ cũ ở Nga đều có ý thức gỡ bỏ biển số và yêu cầu chủ mới đăng ký lại. Bởi nếu không làm như vậy, giấy phạt sẽ được gửi tới chủ cũ và như vậy, chủ mới cứ vô tư vi phạm luật giao thông, còn người gánh hậu quả lại là chủ cũ.


Chế tài cho “phạt nguội”


Ấy vậy nhưng bất cứ hình thức phạt nào cũng có nhược điểm của nó. “Phạt nguội” cũng không là ngoại lệ. Trước đây, giấy “phạt nguội” thường ít được cánh lái xe ở Moskva quan tâm thanh toán đúng hạn. Họ nộp phạt chậm bởi chính quyền chưa đưa ra chế tài đối với các hành động như vậy.


Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình đã hoàn toàn thay đổi và “phạt nguội” có thể được xem như “kẻ thù” của nhiều lái xe. Bởi vì Nga đang áp dụng qui định mới, nếu không nộp nay sơ xuất chưa nộp phạt, chủ sở hữu xe có thể bị cấm xuất cảnh và phong tỏa tài khoản. Đối với công dân nước ngoài cư trú ở Nga, không nộp phạt hay vi phạm luật giao thông quá hai lần trong một năm còn bị cấm nhập cảnh vào Nga trong thời gian từ 1 - 3 năm. Không ít người Việt làm ăn ở Nga, quay trở lại sau thời gian về thăm quê hương, lâm vào cảnh dở khóc dở cười ở sân bay vì không được nhập cảnh. Lí do thật “lãng xẹt”, đó là do không nộp tiền phạt giao thông chỉ 300 hay 500 rúp. Phải đến lúc đó, nhiều người mới “ngấm” hậu quả đáng sợ của việc không nộp phạt giao thông. Một người bạn Nga mà tôi biết mới đây cũng đã không được xuất cảnh sang du lịch Việt Nam, bởi anh không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt giao thông. Thậm chí, tài khoản của anh ở ngân hàng cũng bị phong tỏa và anh phải mất gần một tháng mới giải quyết được hậu quả.
Chế tài mới ở Nga đối với người không nộp phạt giao thông đang bị chỉ trích là quá nghiêm khắc, tuy nhiên trên góc độ thực thi luật pháp, rõ ràng chúng có vài trò “răn đe” rất cao, để người vi phạm giao thông phải thực hiện trách nhiệm của mình.


Có thể nói, với gần 5 triệu xe ô tô lưu hành trên đường phố, nếu không “phạt nguội”, nhà chức trách Moskva có lẽ không thể duy trì được trật tự giao thông như hiện nay. Hãy tưởng tượng xem, bộ máy nhân lực cảnh sát Moskva sẽ “phình to” tới mức nào nếu không sử dụng camera giám sát tự động.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN